Tỏi tía được trồng ở xã Noong Luông, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng. Mặc dù thứ tỏi này có chất lượng thơm ngon hảo hạng, được trồng ở nơi quanh năm mây mù bao phủ, nhưng giá bán lại vô cùng rẻ.
Nong Luông hiện có 6 xóm với 395 hộ, với gần 1.700 khẩu sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 50%. Tận dụng các khoảng đất ven sườn đồi, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang, mở rộng diện tích trồng tỏi. Theo đó, cây tỏi được trồng vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong vụ ngô, lạc.

Cây tỏi tía bản địa được trồng ở 2 xã vùng cao Pù Bin, Noong Luông của huyện Mai Châu. Chúng có tên khoa học Allium sativum, là loại tỏi củ nhỏ, tép có màu vàng, rất nhiều dầu, vị cay và thơm. Tỏi tía là một đặc sản của Việt Nam mà không một giống tỏi nào trên thế giới có thể so sánh về chất lượng.

Những năm trước đây, cây tỏi tía được trồng nhiều ở các xóm như Piềng Đậu, Nà Đú, Noong Ó… nhưng nay chỉ còn tập trung ở xóm Noong Luông, Chà Đáy. Thời gian gần đây, khách du lịch mới biết đến thứ tỏi quý này và thường mua tỏi tía về làm quà biếu, chế biến thực phẩm.

Ông Hà Văn Tám ở xóm Noong Luông, xã Noong Luông chia sẻ: Từ lâu rồi, tỏi đã trở thành cây trồng đặc sản của người dân Noong Luông, vì vậy năm nào nhà tôi cũng trồng tỏi, chỉ khác là trồng ít hay nhiều thôi. Cây tỏi dễ trồng, ít sâu bệnh, kĩ thuật chăm sóc cũng đơn giản nên ai cũng có thể làm được.

Đã có khoảng thời gian, người dân Noong Luông trồng tỏi không bán được nên diện tích trồng tỏi bị thu hẹp. Toàn xã chỉ có 2ha tỏi. Các hộ dân chỉ trồng tỏi quanh nhà làm gia vị cho gia đình là chính. Từ khi đường ô tô mở về tới xã, bà con đi lại, tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn, vì thế củ tỏi làm ra cũng có giá bán cao hơn.
Tháng 8.2016, xã Noong Luông đã ban hành Nghị quyết về việc “Phê duyệt diện tích trồng tỏi và cây vụ thu đông”, trong đó mục tiêu đặt ra là phấn đấu mở rộng diện tích cây tỏi lên xấp xỉ 10ha.
Theo Dân Việt