Vững vàng nơi biển, đảo tiền tiêu Lý Sơn

0
122

Tin đăng lại: 31 Tháng Mười Hai, 2015 @ 1:56 chiều

Đã lâu, tôi mới có dịp được ra huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và được mắt thấy tai nghe bao câu chuyện cảm động về nghĩa tình son sắt, thủy chung của những người lính đảo.

Chuyện tình nơi “đầu sóng”

Năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” tại đảo Lý Sơn. Trung úy Trần Hùng, Chính trị viên Đại đội 7 được đơn vị cho về đất liền đón người vợ mới cưới tham gia phần thi “Tình yêu chiến sĩ”. Vợ anh là cô giáo Đặng Thị Ngọc Yến, dạy ở một trường tiểu học của xã miền núi Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Chồng xuống biển giữ đảo, vợ trụ lại trên non gieo chữ, càng trong xa cách, tình yêu của họ càng son sắt, mặn nồng.

Mô hình “Nồi cơm tình nghĩa” tại Trung tâm Y tế quân-dân y, do Ban CHQS huyện Lý Sơn duy trì thực hiện.
Mô hình “Nồi cơm tình nghĩa” tại Trung tâm Y tế quân-dân y, do Ban CHQS huyện Lý Sơn duy trì thực hiện.

“Nổi tiếng” và được nhiều người biết đến là chuyện tình của Trung úy QNCN Nguyễn Duy Trinh, nhân viên quản lý Đại đội 5. Quê ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), ra đảo được 3 năm thì anh bén duyên với cô Dương Thị Mỹ Hiền, công tác ở Trường THCS xã An Hải, thuộc huyện đảo. Trước ngày cưới, anh được đơn vị giải quyết cho về gia đình để chuẩn bị, nhưng khi nhà trai vượt biển ra đón dâu thì trời đổ mưa bão, biển động dữ dội, tàu mới ra được 3 hải lý đành phải quay lại bờ. Thế là đám cưới thiếu vắng chú rể. Mãi 14 ngày sau, giao thông đường biển mới được nối thông, người vợ trẻ ra tận mép sóng đón chồng, vỡ òa trong hạnh phúc.

Tin HOT:   Vì sao tàu cao tốc Đà Nẵng - Lý Sơn chuyển bến, hạ giá vé?

“Kéo” con gái đất liền ra định cư ở đảo là chuyện tình độc đáo của Thượng tá Nguyễn Thành Định, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lý Sơn. Anh Định quê gốc xã đảo An Vĩnh. Khi đang công tác tại Trung đoàn 94, Sư đoàn 307, anh đã để ý tới cô thôn nữ Nguyễn Thị Tuyết Mai (ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1996, nhận nhiệm vụ trở về công tác tại quê hương, anh đã “kéo” cả nhà gồng gánh đi theo. Chị Mai kể: “Đi đảo đúng vào mùa biển động, phải chờ hai ngày mới có tàu. Lúc ra giữa biển khơi, ngoái nhìn về hai phía bờ và đảo đều xa hun hút, nước mắt cứ muốn trào ra”. Những ngày đầu gia đình phải ở tạm nhà kho cũ của đơn vị. Anh bận bịu việc quân, chị xoay đủ nghề: Trồng rau, nuôi heo, gà, làm cấp dưỡng cho một doanh nghiệp xây dựng… Vượt qua bao gian khó, bây giờ anh chị đã có căn nhà khang trang, hai con đều học hành đỗ đạt, được người dân trên đảo yêu mến, nể trọng.

Trong số các nàng dâu của Ban CHQS huyện Lý Sơn, có phóng viên Lê Thị Hồng Hoa đang công tác tại Báo Quảng Ngãi. Ra tác nghiệp ở Lý Sơn, cô đã bị “hớp hồn” bởi chàng sĩ quan trẻ, Thượng úy Phạm Trung Hiếu, Phó đại đội trưởng đại đội pháo mặt đất. Xuống tàu, cô không say sóng mà cứ say… đảo. Và hình ảnh người lính đảo can trường mà gần gũi đã trở thành đề tài trong nhiều tác phẩm báo chí của cô. Được tòa soạn ủng hộ, tạo điều kiện “đứng cánh” ở Lý Sơn đã giúp đôi bạn trẻ sớm tìm được “tiếng nói chung”. Cưới nhau cuối năm 2013, bây giờ tổ ấm của họ đã có thêm cô con gái kháu khỉnh Phạm Lê An Nhiên.

Tin HOT:   Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và hội đua thuyền tứ linh

Hiện số gia đình quân nhân “an cư lạc nghiệp” tại đảo Lý Sơn đã lên đến hàng chục; riêng Ban CHQS huyện có 4 đồng chí xây dựng gia đình và định cư tại đảo.

Gắn bó nghĩa tình với nhân dân

Kinh tế biển là mũi nhọn của huyện đảo. Ngư dân Lý Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm qua, LLVT huyện phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con gắn việc khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong mùa mưa bão, cán bộ, chiến sĩ lại khẩn trương triển khai lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Khi biển động, giao thông cách trở, LLVT lại nhường cơm sẻ áo với đồng bào. Trận bão số 9 (tháng 9-2009) làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đại đội 5 đã dồn dịch, dành chỗ cho bà con trú ngụ, lo cơm nước cho hàng chục nhân khẩu suốt một tuần. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện còn dầm mình trục vớt tàu của ngư dân bị bão đánh chìm. Các trung đội dân quân biển Lý Sơn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển giữ gìn chủ quyền, an ninh trên biển. Các “chiến sĩ sao vuông” luôn là “tai mắt” ngoài khơi, quan sát, phát hiện thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý các tàu lạ, nhất là tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái quy định, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển…

Tin HOT:   Một du khách tử vong do đột quỵ ở Hang Câu - Lý Sơn

Hằng năm, Ban CHQS huyện đảo và các đơn vị: Trạm ra-đa hải quân, Đồn Biên phòng 328… có chương trình phối hợp hoạt động với 6 hội, đoàn thể địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Ban CHQS huyện chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND phối hợp tổ chức hội nghị đoàn kết quân dân, kêu gọi các tộc họ trên đảo tham gia xây dựng và bảo vệ biển, đảo quê hương.

Từ nhiều năm qua, LLVT huyện đảo Lý Sơn luôn duy trì phong tục đẹp đầu Xuân ra quân Tết trồng cây, tặng bánh chưng và hàng chục suất quà cho các hộ nghèo, thường xuyên giúp đỡ nhiều hộ dân trên địa bàn xóa nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2015, Ban CHQS huyện duy trì “Nồi cơm tình nghĩa” tặng các bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế quân-dân y; đóng góp hàng trăm ngày công lao động làm đường bê tông nông thôn, sân trường tiểu học, sửa chữa nhà dân bị tốc mái do mưa bão… Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đảo luôn sát cánh, là điểm tựa tin cậy để người dân Lý Sơn vững tin vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here