Gần 30 năm gắn bó với nghiên cứu văn hóa dân gian, Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Tuy nhiên, đến giờ ông vẫn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian của cư dân ven biển.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, di sản văn hóa dân gian của người Việt ở vùng ven biển Quảng Ngãi là hết sức phong phú, đa dạng, có giá trị lớn cần được bảo tồn và phát huy.
Di sản văn hóa dân gian là của cộng đồng
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian của cư dân ven biển, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa dân gian là nền tảng của văn hóa dân tộc. Những di sản văn hóa – tín ngưỡng – phong tục – lễ hội, nghệ thuật dân gian, ngữ văn dân gian… là vốn quý cần phải quan tâm bảo vệ, gìn giữ, vì các giá trị văn hóa dân tộc được kết tinh trong tất cả các loại hình đó.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, bản thân người dân phải hiểu rằng, di sản văn hóa dân gian chính là của nhân dân. Nhân dân cần phải biết phát huy cao độ tính tích cực, chủ động trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, tổ chức các nghi lễ, lễ hội, các loại hình diễn xướng… “Di sản văn hóa dân gian là của cộng đồng, vì thế cần phải trả về cho cộng đồng gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và phát huy giá trị. Đó cũng chính là lý do trong những năm gần đây, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được trả lại cho các tộc họ trên đảo Lý Sơn”, ông Vũ nhấn mạnh.
Một trong những đặc trưng của văn hóa dân gian đó là tính nguyên hợp. Người dân Lý Sơn đã nhận thức được đua thuyền là một di sản văn hóa – tín ngưỡng đặc trưng ở vùng đất đảo, nên họ luôn tự nguyện tổ chức, tự nguyện đóng góp tiền của và sức lực.
Tương tự, nghệ thuật hát sắc bùa, bả trạo là những hình thức diễn xướng nghi lễ, nên không thể đưa nguyên xi các trình tự, nội dung diễn xướng sắc bùa, diễn xướng bả trạo lên sân khấu. Người ta chỉ có thể thấy sắc bùa, hoặc bả trạo hay, thiêng liêng khi sắc bùa được trình diễn trong một ngôi nhà nào đó vào đúng dịp xuân về, hay khi bả trạo được diễn trong sân đình để hầu thần, tạ ơn thần vào dịp lễ tế cá Ông sau những ngày lênh đênh trên biển. Đối với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cũng vậy, chỉ thật sự thiêng liêng khi được tổ chức vào dịp xuân về ở Âm linh tự, đình làng An Vĩnh, trong gia đình các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa. Điều này cho thấy, việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân gian, đòi hỏi trước tiên là nhận thức của người dân về giá trị di sản của cộng đồng.
Phải có sự đồng hành của toàn xã hội
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian cần phải được thực hiện liên tục, lâu dài. Bởi vậy, công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải hết sức đồng bộ, sát sao từ phía các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cho đến cán bộ chuyên trách. Ngành văn hóa cần phải xây dựng một đội ngũ chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, được đào tạo bài bản, chứ không phải là đội ngũ kiêm nhiệm như ở nhiều địa phương hiện nay. “Chính đội ngũ cán bộ chuyên trách từ cơ sở là những người luôn gắn với địa bàn và kịp thời ghi chép lại vốn văn hóa quý hiếm còn đang khuất lấp tại các địa bàn dân cư. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt cho họ”, ông Vũ bộc bạch.
Bên cạnh đó, ông Vũ cũng cho rằng cần phải có một cuộc tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa dân gian của người Việt lẫn di sản văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Cuộc tổng kiểm kê này do các cơ quan văn hóa, quản lý văn hóa trong tỉnh phối hợp các chuyên gia và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Sau cuộc tổng kiểm kê cần có sự hệ thống hóa, có nhận định tổng quát, đánh giá về các loại hình văn hóa dân gian trong tỉnh, để từ đó thực hiện các bước tiếp theo.
Ngoài việc khuyến khích nhân dân tự trao truyền di sản cho cộng đồng, ngành giáo dục cần phối hợp với ngành văn hóa, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, các chuyên gia uy tín, am hiểu văn hóa dân gian, để xây dựng chương trình, kế hoạch dạy và học văn hóa dân gian của người Việt ở Quảng Ngãi lẫn văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh nói chung. Có như vậy, mới bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di sản văn hóa dân gian.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG