Không biết bao nhiêu ngôi “mộ gió” đã được đắp, không biết bao nhiêu người đàn ông đã đi ra biển khơi rồi không quay lại. Họ đi mà không hỏi tại sao.
Người phụ nữ cô độc leo lên những sườn dốc. Bên cạnh chị, là khung cảnh tráng lệ của cánh đồng tỏi xanh mướt mênh mông thoải dài xuống bờ biển. Thôn Tây An Vĩnh từ lâu đã được tụng ca bởi những người khách đến Lý Sơn. Nhưng khung cảnh hôm nay buồn. Phía trên kia, qua những ruộng tỏi xanh, là một nghĩa trang. Người góa phụ đang đi lên mộ chồng.
![]() |
Âm linh tự, nơi thờ tự đội dân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. |
Hồn Hoàng Sa
Anh Bình đã nằm lại ở đâu đó ngoài biển khơi sau chuyến tàu tai nạn. Chị Trí ở lại với hai đứa nhỏ, chỉ biết khóc thầm. Dưới ngôi mộ chiêu hồn không có hài cốt anh, chỉ có hình nhân thịt da làm bằng đất sét, xương làm bằng cành dâu. Một ngôi mộ gió, như người ta hay gọi.
“Vu vu hồn phách
Vị biện thăng trầm
Bất minh hạ lộ”
Người thày pháp đọc lại câu khấn dành cho những người chết biển. “Hỡi ôi hồn phách, chưa rõ nổi chìm, chẳng hay đâu chốn”. “Hạ lộ” là con đường phía dưới, bây giờ không biết họ đang đi ở đâu. Tay người thày pháp, đã nặn bao nhiêu hình nhân bằng đất sét, để chôn xuống những ngôi mộ chiêu hồn, ông cũng không thể nhớ nổi.
Nhà chị Trí đã có hơn một ngôi mộ gió. Cha chồng chị, tức là cha anh Bình, cũng chết ngoài biển khơi từ nhiều năm trước. Đứa cháu ruột cũng chết biển. Người anh ruột, mất con, đến khi người em rể bỏ mạng, suy sụp mà định bỏ nghề đi biển. Nhưng rồi nghỉ được một thời gian, cũng quay về với những chuyến tàu – chị Trí kể trong nước mắt.
Đứa con trai út của anh và chị, bây giờ 10 tuổi, chị đã ngăn cấm. Nhưng nó cũng đang đòi đi theo bác ra biển, ra Hoàng Sa, Trường Sa theo nghiệp cha, nghiệp ông.
Đi biển dường như đã là định mệnh của những người đàn ông sinh ra ở Lý Sơn này. Hai anh em anh Tâm-anh Lộc, đã 3 lần đóng tàu ra biển. Chuyến đầu tiên, bị tàu Trung Quốc bắt giữ, thả về. Chuyến thứ hai, gặp bão chìm ngoài Trường Sa. Chuyến thứ ba, cũng là chuyến tàu định mệnh mà anh Bình chồng chị Trí đã đi, gặp tai nạn nổ bình gas. Anh Tâm mất, anh Lộc bị thương nặng ở chân, may mắn được đưa về đất liền. Giờ cũng chưa đi lại được, nhưng đã tuyên bố: đi tiếp chớ, lại ra Trường Sa, Hoàng Sa.
Đứa con trai lớn của anh Lộc, ra đời vào cái năm mà gia đình mất chiếc tàu đầu tiên, giờ cũng đang đòi đi biển.
Đi biển là định mệnh của những người đàn ông sinh ra ở Lý Sơn này. Họ đã đi từ thời hồng hoang mở cõi, để khẳng định chủ quyền biển của đất nước. Bao nhiêu người đã ở lại ngoài kia.
Ngày 17.1, viên đá đầu tiên của tượng đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ được đặt ở chính hòn đảo này. Tượng đài mang hình ảnh người mẹ đứng cầm đèn đợi con. Bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu người vợ đã đợi chồng về từ biển khơi qua bao đời như thế.
Tượng đài có lẽ không chỉ dành cho những người con của Lý Sơn này, mà dành cho tất cả những người, dù thuộc bên nào chiến tuyến, dù là lính hay là ngư dân, đã nằm lại ngoài khơi, vì tình yêu, vì lòng dũng cảm, hay vì một sự gắn bó định mệnh nào, để trở thành một phần máu thịt Tổ quốc, để tuyên bố “Hoàng Sa tối thị hiểm yếu” từ thời Minh Mạng không phải lời vu vơ.
Đi biển – họ đi mà cũng không bao giờ đặt câu hỏi tại sao, không phải vì những lời hiệu triệu hay sự hy sinh, chỉ đơn giản như là suy nghĩ bản năng của đứa trẻ lên 10 nhà anh Bình, anh Lộc.
Vu vu hồn phách, vị biện thăng trầm, bất minh hạ lộ. Những thầy pháp của Lý Sơn vẫn sẽ khấn lời ấy để rước những linh hồn lưu lạc ngoài biển khơi về. Nhưng người trong bờ biết, rằng hồn phách những người đàn ông ấy, cũng sẽ chẳng đi đâu ngoài quay về đất mẹ.