Chị Bùi Thị Thủy dẫn ba đứa con ra biển ngóng về Hoàng Sa xa xôi, nơi người chồng của chị đã bỏ mạng trong một cơn bão. Biển Đông ngày càng dội sóng, tin dữ ngoài khơi liên tục dội về. Nỗi đau đó được khắc tạc trên bức tượng Người mẹ thắp lửa đang được khởi công xây dựng tại Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.
![]() |
Vợ ngư dân Nguyễn Huê (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mất tích tại Hoàng Sa cùng ngư dân Bùi Thanh Sơn vào năm 2008 |
Mắt mẹ nhạt nhòa
Khu tưởng niệm có tên “Người mẹ thắp lửa” với hình tượng người mẹ soi đường cho con trở về. Trong đời sống tâm linh của người dân ở đảo Lý Sơn, hình ảnh người mẹ cầm đèn soi đường làm mọi người chợt nhớ đến câu khấn nguyện “trong cõi u minh mờ mờ đục đục có biết lối mà về”. Ở trên đảo, những binh phu đi Hoàng Sa nhưng không trở về; những ngư dân thời nay bỏ mạng trên biển, người đàn bà ra biển nghe tiếng chiêng, tiếng mõ của thầy phù thủy gọi người quay về với ngôi mộ gió.
Quảng Ngãi có hơn 3.000 tàu cá đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa với hơn 30.000 ngư dân. Trong cuộc mưu sinh đó, các ngư dân luôn đối mặt với hiểm nguy rập rình. Ngư dân Bùi Thanh Sơn ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã bỏ mạng trong một cơn bão cách đây chưa lâu. Nhà anh Sơn ở sát biển, hằng ngày, vợ anh và ba người con nhìn về Hoàng Sa và hoài vọng tiếng người thân đang gào thét trong sóng, với cánh tay đưa lên tuyệt vọng.
Buổi sáng làm lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, bà Dương Thị Tài, quê ở huyện đảo Lý Sơn và vợ các ngư dân có mặt từ rất sớm để dự lễ. Bà Tài dừng hồi lâu bên bức phù điêu có in hình người mẹ đứng trên lưng núi Thới Lới, tay cầm ngọn đèn giơ cao, mắt hướng về phía biển. Bà Tài kể, “Chồng cô là ngư dân Nguyễn Văn Đại, năm nay 70 tuổi. Hồi trước chồng cô đi Hoàng Sa mấy chục năm, bị bão, bị Trung Quốc bắt giữ hai lần. Cuối cùng khi lặn thì bị liệt nên chồng cô phải bỏ biển để con trai nối nghiệp sớm”.
Con trai của bà Tài là ngư dân Nguyễn Văn Kiều, năm nay 39 tuổi. Anh Kiều đi đánh cá trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Một. Mỗi phiên biển kéo dài gần một tháng, đó là một tháng vợ anh Kiều và người mẹ cảm thấy nóng lòng vì ngày nào tàu cá cũng bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi. “Khi nào thấy tàu ló về tới bến thì mới thấy yên lòng, vì ngoài biển bị tàu rượt hoài”, bà Tài thốt lên những lời gan ruột, ánh mắt của bà nhìn thấu về phía chân trời.
![]() |
Lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa |
42 năm mẹ nhớ!
Ngồi dưới hàng ghế đại biểu về dự lễ có một bà mẹ mặc bộ quần áo màu đen, khuôn mặt gầy gò có đôi mắt trũng sâu, mái tóc đã điểm bạc. Đó là bà Nguyễn Bội Liên đến từ Đà Nẵng, thân nhân của tử sĩ Nguyễn Phú Hảo. Ông Hảo đã ngã xuống trên chiến hạm Trần Bình Trọng, trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974. Trong lòng bà Liên, tiếng sóng Hoàng Sa vẫn ngày đêm vọng về thổn thức, mang theo tiếng kêu của người thân.
Khi kết thúc buổi lễ, bà Liên đã được anh Võ Văn Út tặng bình cát mang về từ đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa. Anh Út quê ở huyện đảo Lý Sơn, là hậu duệ của cai đội hùng binh Hoàng Sa Võ Văn Khiết, người đã dẫn quân ra Hoàng Sa năm 1786.
“Ơ… ờ… ơ! Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa…”. Mẹ Đỗ Thị Hảo cất cao giọng hò khiến những người đến dự khởi công xây dựng Khu nghĩa sĩ Hoàng Sa lặng người. Mẹ đã 70 tuổi, tiếng hò của mẹ có âm hưởng của tiếng khóc nỉ non, tiếng thét trầm hùng, tiếng gió Biển Đông, tiếng vọng của bao nghĩa sĩ Hoàng Sa đã khuất.
Trước đó, vào chiều ngày 16.1, khi tổ chức sơ duyệt chương trình để chuẩn bị cho buổi lễ hôm sau thì trời cũng vừa sập tối. Mặt biển ngả màu tím sẫm. Gió từ biển thổi vào lạnh giá. Trong khung cảnh chiều tím, mẹ Hảo đã cất tiếng hò. Tất cả mọi người im bặt. Tiếng của mẹ vang lên khắp triền núi Thới Lới, hòa trong tiếng gió Biển Đông. Những phóng viên có mặt đã thốt lên “nghe tiếng mẹ hò mà thấy đau nhói trong lòng”.
Trong buổi chiều hôm lưng chừng núi, bóng mẹ Hảo như bức tượng bao người mẹ miền biển, giọng mẹ cứ vang vang xa mãi: “Lý Sơn tiễn biệt chàng trai trẻ/ Không hẹn cùng em ngày trở về/ Nấm mộ chiêu hồn trên bến bãi/ Mà người biền biệt bến nước quê”.