Buổi chiều trên đỉnh núi Thới Lới, mặt trời ở đằng cuối con đập chắn nước, nó đang dần dần lặn xuống núi. Chiếc cầu nhỏ bắc ngang bên mép hồ lúc này tựa như đường lên cổng trời; ta mơ hồ như lạc vào thế giới thần tiên, nếu bước tiếp bàn chân theo cây cầu nhỏ này sẽ dẫn ta đến với mặt trời đỏ rực như hòn than hồng ở phía cuối chân trời. Đứng trên đỉnh núi gió thổi mạnh ràn rạt, lúc này ta tưởng mình là thiên thần có đôi cánh mỏng bay đến với mặt trời. Trời ở đây rất gần, như đang sà xuống, bầu trời trong xanh không một gợn mây.
![]() |
Đường giao thông trên đảo Lý Sơn |
Từ ngày cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới khánh thành xong, có nhiều du khách trong đất liền vượt trùng khơi đến đây chiêm ngưỡng. Trước đây, ngày ngày trên đỉnh núi này chỉ có những người lính ra đa và những cô cậu bé mục đồng, thỉnh thoảng mới có du khách từ đất liền ra thăm đảo. Giờ thì du khách mọi nơi đến đây rất nhiều, họ lên đây để được ngắm biển và chụp ảnh dưới cột cờ Tổ quốc đang phần phật bay trong gió. Là người con nước Việt ai đến đây cũng đều thấy tự hào. Vì chính hòn đảo này đã sinh ra những hùng binh năm xưa, tuân lệnh triều đình căng buồm ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền.
Chiều đã nhạt nắng, đàn bò của bà Thắm tha hồ nhẩn nha gặm cỏ bên sườn núi đá, trên miệng núi lửa, đến khi khát, con đầu đàn ghé ọ gọi cả đàn ra ven hồ để uống nước. Chúng ăn cỏ và được uống nước mát từ hồ trên đỉnh núi, bụng no tròn, bộ lông óng mịn, con nào con nấy béo múp. Cũng lạ, ở trên đỉnh núi lửa này bốn mùa chỉ có nắng và gió biển thổi lồng lộng, sự sống của cỏ cây cũng thật khó, thế mà lại tồn tại một hồ nước ngọt rất lớn, quanh năm không mấy khi cạn. Chiều dần tắt nắng, cả đàn bò theo bà Thắm xuống núi về chuồng.
Gần tháng nay trời không mưa, nước ngọt trên đảo bắt đầu khan hiếm. Bà nghe nói sắp đến người ta làm thêm một cái hồ chứa nước ngọt nữa để phục vụ bà con trên đảo. Bà Thắm ước gì giờ trời đổ mưa, nước hồ trên đỉnh núi Thới Lới cũng gần cạn, cỏ trên núi đã vàng úa, đàn bò của bà cũng vất vả hơn khi phải bứt từng cọng cỏ trên núi để nhai. Mùa này đang tiết hè, trên ngọn núi lửa toàn đá nham thạch này chẳng có cây nào sống được chỉ có cây bão táp, cây phong ba, cây ngũ trão, dứa dại và những cọng cỏ li ti bám chặt vào đá mà sống, mà tồn tại và sinh sôi nảy nở.
Những cọng cỏ nhỏ nhoi, cằn cỗi, vẫn nhú lên những cái mầm non nhỏ tựa như những mũi kim, những bụi cỏ dại ấy đã cố chắt chiu những giọt sương đêm của trời và hứng những luồng gió mặn mòi của biển để đâm sâu rễ vào vách đá mà sống. Khí đá, sương mai, gió biển, nắng đảo, bão táp, phong ba… đã quyện vào từng cọng cỏ trên đỉnh núi này. Vì thế, cỏ ở đây có sức sống mãnh liệt phi thường như người dân xứ đảo này vậy. Chẳng biết chính xác hòn đảo này đã hình thành bao nhiêu triệu năm, cũng chẳng biết chính xác cỏ ở đây đã có từ bao giờ và chính xác từ năm nào con người từ đất liền ra khai phá đảo này. Thế nhưng mạch sống ấy vẫn mãnh liệt truyền từ đời này qua đời khác, con người nơi đây, cỏ cây nơi đây vẫn kiên cường, dũng cảm bám biển, bám đảo để sinh sôi nảy nở, phát triển trường tồn.