Từ một hòn đảo hoang sơ, giờ đây Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang chuyển mình mạnh mẽ. Bằng tiềm lực sẵn có và việc quan tâm đầu tư của Nhà nước, Lý Sơn tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, kết hợp với kinh tế biển để xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến trù phú.
Giai đoạn 2016-2020 huyện Lý Sơn sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ mọi nguồn lực, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, trong đó xác định kinh tế biển và du lịch là hai ngành kinh tế mũi nhọn.
![]() |
Năm 2015 Lý Sơn đã đón lượng khách du lịch cao nhất từ trước đến nay |
Tiềm năng du lịch được đánh thức
Nếu như 2014 lượng khách đến Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng là 36.620 lượt khách. Thì năm 2015 đã tăng lên 95.000 lượt du khách. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch nơi đây dần được đánh thức sau khi đảo chính thức có điện lưới quốc gia.
Có được kết quả này, ngoài lợi thế về phong cảnh thiên nhiên đẹp, Lý Sơn còn lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa cổ cùng những lễ hội văn hóa đặc sắc. Trong đó, nổi bật nhất trong cụm di tích ở đảo là các di tích về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự cùng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo. Với phong cảnh đẹp, hoang sơ và truyền thống văn hóa nơi đây là cơ hội để Lý Sơn đa dạng hóa các loại hình du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng và tâm linh, thu hút ngày càng đông du khách ra đảo. Du khách Nguyễn Đình Thi đến từ Thừa Thiên – Huế nói: “Lý Sơn không chỉ đẹp bởi các thắng cảnh thiên nhiên, mà còn sở hữu trong mình những bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là điểm đến lý tưởng”.
Đến với Lý Sơn những ngày này nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn mọc dày đặc trên đảo; hàng loạt công trình lớn, dự án du lịch hoành tráng đang triển khai xây dựng. Các loại hình du lịch tận dụng thế mạnh từ biển cũng được triển khai thực hiện như tham quan bãi biển đảo lớn, đảo bé bằng ca nô cao tốc; câu cá, lặn biển và tham quan bè tôm hùm… với những loại hình này du khách có thể tự tay chế biến hải sản ngay trên biển do mình đánh bắt.
Đến thời điểm này, Lý Sơn đã có gần 20 cơ sở lưu trú và gần 40 hộ dân tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng, cùng nhiều loại hình du lịch hấp dẫn trên biển; Lý Sơn cũng đang khai thác và bảo tồn các di tích sẵn có để phát huy, giữ gìn, đồng thời củng cố, nâng cấp một số di tích trên địa bàn huyện để phát triển du lịch.Tương lai, Lý Sơn sẽ tận dụng thế mạnh từ biển để mở bãi tắm phục vụ du khách.
Khai thác tối đa tiềm năng về du lịch, Lý Sơn không chỉ quảng bá rộng rãi hình ảnh con người, văn hóa và truyền thống bảo vệ tổ quốc của người dân huyện đảo, mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân.
Chú trọng phát triển ngư nghiệp
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thì ngư nghiệp vẫn đang là thế mạnh của huyện đảo. Với đội tàu cá hùng hậu 415 phương tiện đầy đủ trang bị nghề cá hiện đại để vươn khơi dài ngày trên biển. Sản lượng khai thác tăng bình quân hằng năm 7,5%; các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản được triển khai kịp thời giúp ngư dân yên tâm bám biển; nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được áp dụng góp phần nâng cao đời sống ngư dân. Đặc biệt là nuôi tôm hùm và cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao.
![]() |
Khai thác hải sản vẫn là thế mạnh của huyện đảo. |
Tận dụng nguồn điện lưới quốc gia nhiều doanh nghiệp trên đảo đã đầu tư cơ sở sửa chữa tàu thuyền, sản xuất đá lạnh… phục vụ cho ngư dân. Ông Nguyễn Thanh Cường – Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, huyện sẵn sàng hướng dẫn và đơn giản hóa các thủ tục cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá như xây dựng nhà máy đông lạnh, mở rộng khu sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân Lý Sơn; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lớn để thành lập công ty chuyên thu mua hải sản, cung cấp con giống và thiết bị nghề cá cho ngư dân ngay tại địa phương. Hiện nay, Lý Sơn đã có khu sửa chữa tàu thuyền, mỗi năm cơ sở này đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho 200 phương tiện tàu cá của ngư dân địa phương; nhà máy đông lạnh, khu chế biến đá lạnh cung cấp cho ngư dân cũng đang được triển khai thực hiện…
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nên chính quyền huyện Lý Sơn luôn vận động ngư dân tiếp tục đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản làm giàu kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền của tổ quốc. Nhờ kiên trì bám biển và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nên hằng trăm ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã có cuộc sống ổn định.
Năm 2015 tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Lý Sơn đạt 896.888 triệu đồng, trong đó, khai thác thủy sản và thương mại dịch vụ chiếm gần 90% tổng giá trị kinh tế của huyện.
Trên đà phát triển thuận lợi, huyện Lý Sơn tiếp tục ra sức xây dựng và phát triển để trở thành một đảo tiền tiêu thực sự mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh. Trong đó, tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo như đánh bắt hải sản và du lịch.