Với điều kiện tự nhiên huyện hải đảo, những năm qua, Lý Sơn đã phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với sản lượng khai thác và diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm tăng cao, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, những năm qua ngoài tiềm năng khai thác hải sản xa bờ, với lợi thế về diện tích mặt nước cùng nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên và nuôi trồng tại Vũng neo trú tàu thuyền phong phú và đa dạng chúng loại như tôm Hùm, cá Mú, cá Bớp . . . đã tạo nên tiềm năng to lớn cho sự phát triển ngành thuỷ sản của địa phương. Để đẩy mạnh phát triển mũi nhọn kinh tế biển, huyện đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tiến hành rà soát, khảo sát lập khu quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn mà cụ thể là tại khu vực Vũng neo trú tàu thuyền An Hải với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 lên tới 50 ha để thả nuôi các loại hải sản có giá trị kinh tế là động lực thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện khoảng 20 héc ta, với trên 100 ngàn con giống gồm tôm Hùm, cá Mú, cá Bớp được thả nuôi, với giá trị khoảng 15 tỷ đồng. Về khai thác, hải sản, hiện toàn huyện có 428 phương tiện tàu, thuyền với tổng công suất đạt trên 60 ngàn CV, trong đó có gần 1/2 số tàu thuyền có công suất lớn trên 90 CV đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa – Trường Sa. Từ đầu năm đến nay, sản lượng hải sản toàn huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 350 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hương – Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên lĩnh vực kinh tế biển của địa phương còn bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế. Các lĩnh vực nuôi trồng còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, không theo quy hoạch, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Lĩnh vực khai thác chỉ dựa vào một số ngành nghề truyền thống như nghề lặn, lưới vây . . . việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên sản phẩm chưa đạt chất lượng, chưa đa dạng và chưa có tính bền vững. Nhiều khu vực có khả năng phát triển kinh tế thuỷ sản nhưng chưa được điều tra đánh giá và đưa vào quy hoạch sử dụng một cách có hiệu quả. Kỹ thuật và kinh nghiệm, vốn đầu tư nuôi trồng thuỷ sản của bà con nông dân còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, hình thức nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chưa tuân thủ qui trình kỹ thuật nên năng suất và sản lượng chưa cao, bên cạnh đó các giải pháp về con giống, thức ăn, thị trường, bảo vệ môi trường nguồn lợi thuỷ sản chưa được đồng bộ, các vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi, dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức đây là khó khăn thách thức đối với sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản của huyện.
Trong công tác quản lý nhà nước với hoạt động khai thác hải sản còn có phần hạn chế, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức bằng các phương tiện mang tính huỷ diệt đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ, dẫn đến sản lượng hiệu quả khai thác thuỷ sản ngày càng giảm sút. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cơ khí sửa chữa đóng mới tàu thuyền còn yếu và thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND An Hải cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về thuỷ sản, Lý Sơn cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất trong đó có cả ngành khai thác và nuôi trồng; Theo đó nuôi trồng và lựa chọn giống nuôi để nâng cao chất lượng và hiệu quả, các cấp các ngành chuyên môn cần có sự quan tâm theo dõi, hướng dẫn… nhằm tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong sản xuất, bên cạnh đó cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho người dân để hình thành liên kết theo chuỗi giá trị.
Để đảm bảo phát triển bền vững, huyện Lý Sơn cần có quy hoạch từng khâu, từng hạn mục trong xây dựng cơ sở hạ tầng nghề khai thác và nuôi trồng để thúc đẩy phát triển, hạn chế ô nhiễm môi trường để bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện để hình thành các cơ sở và vùng nuôi trồng sản xuất tập trung quy mô lớn, tập trung mọi nguồn lực để phát triển ngành kinh tế biển hướng tới phát triển bền vững./.