Tin đăng lại: 8 Tháng Ba, 2016 @ 6:39 sáng
Tôi đến công tác tại đảo Lý Sơn vào tháng 11. 1984 và tháng 10. 1987 tôi chuyển về đất liền. Từ ngày chuyển công tác đến nay xấp xỉ gần 30 năm. Trong khoảng thời gian xấp xỉ ấy của một đời người, tôi có trở lại Lý Sơn vài ba lần. Mỗi lần trở lại Lý Sơn như tôi trở về với quê hương của chính mình. Tình cảm của người dân trên đất đảo này và đặc biệt, nhất là tình cảm của những học sinh của tôi ngày ấy vẫn nồng nàn thắm đượm tình thầy trò. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc trong cuộc đời mình khi được đến công tác tại vùng đất yêu thương, ân tình nghĩa nặng và có được những tình cảm thật quý mến.
![]() |
Bãi biển đảo Bé – Lý Sơn |
Vừa rồi có em học sinh cũ của tôi đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh về quê tha thiết mời tôi đi cùng em và hai người bạn của em nữa ra thăm đảo Lý Sơn. Sau một hồi lâu phân vân vì tôi còn lo giảng dạy, sợ sắp xếp không được nên tôi chưa nhận lời.
– Đến 8 giờ ngày 04. 3 (năm nay) tôi mới điện thoại cho em và quyết định cùng các em trở về với đảo Lý Sơn. Khi đến cảng Sa Kỳ những ý nghĩ của tôi đã thay đổi, cảnh mua vé tàu bây giờ thật thuận lợi và tàu cao tốc chở lượng khách lên đến hơn vài trăm người cho một chuyến đi, mỗi ngày tàu ra vào 6 – 7 chuyến.
Sau hơn một tiếng đồng hồ tàu lướt nhanh trên sóng biển và được cập cầu cảng Lý Sơn lúc 14 giờ 10 phút.
Điều trước tiên đập vào mắt tôi là con đường kè chắn sóng đã hình thành và trở thành trục đường chính từ cầu cảng Lý Sơn (An Vĩnh) đi suốt đến An Hải. Nhà cửa trên đảo được xây dựng khang trang, nhiều nhà tầng mọc lên, nhiều khách sạn và nhà nghỉ xây dựng thật hoành tráng để đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch đến tham quan hòn đảo này. Chiếc xe Tắc – Xi đưa tôi đến nhà nghỉ Tường Vy, gần Trường Trung học phổ thông Lý Sơn, nơi tôi từng giảng dạy ở đấy. Nhưng ngặt nỗi ngày tôi đến khách ở khắp nơi đi du lịch ở Lý Sơn rất nhiều, nhất là khách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã đặt phòng trước rồi. Do vậy tôi quyết định về nhà anh Phạm Văn A nghỉ tại đây.
Gia đình anh Phạm Văn A và vợ chồng tôi rất thân thiết khi vợ chồng tôi còn công tác ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Anh đón tiếp tôi như người em đi xa nay trở về nhà. Do vậy tôi quyết định ở lại nhà anh A và em học sinh cũ của tôi và hai người bạn của em cũng để hành lý ở đấy và ra quán Gió Biển uống vài lon bia và thưởng thức những món ăn đặc sản trên đảo. Trong khoảng thời gian ấy, những em học sinh cũ của tôi lần lượt đến tìm tôi và giao lưu tại quán này. Thời gian sao trôi quá nhanh quá khoảng 22 giờ em Phạm Văn Sinh chở tôi vào thăm những nhà mà tôi đã từng gắn bó trước đây. Khi thấy tôi xuất hiện các bác, các anh chị và các em đều ngỡ ngàng trước sợ có mặt của tôi. Và nhà nào cũng muốn níu giữ tôi ngủ lại một đêm cho vui. Nhưng tôi phải trở về nhà anh A. Vì tôi đã hứa trước với anh chị rồi.
![]() |
Đảo Lý Sơn |
Sáng ngày 05. 4 bác Mạnh -người, nhà tôi đến ở trước đây-, vợ chồng anh Đắc và nhiều học cũ đến thăm tôi, mời tôi và các em cùng đi với tôi vào ăn bữa cơm cùng gia đình nhưng vì tôi còn đi thăm những người thân; các em trong chuyến đi cùng tôi còn dạo chơi ngắm cảnh, chụp hình kỷ niệm trên đảo nên không nhận lời bác Mạnh, vợ chồng anh Đắc… được. Tôi chỉ biết hẹn vào dịp sau, khi vợ tôi về hưu tôi và vợ tôi sẽ trở về thăm đảo, rồi chừng ấy hãy tính.
Trong chuyến trở lại Lý Sơn lần này, tôi luôn được nghe:
-“Thầy ở đây cả năm cũng không đói đâu”
-“Thầy nên ở lại đây vài ngày nữa…”
“Cô Dung (Vợ tôi) khi về hưu ra đây chơi vài tháng rồi mới về…”
Những câu nói mời mọc thân tình của người dân Lý Sơn và các em học sinh cũ của tôi ở đảo Lý Sơn đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp. Tôi chỉ biết vậy và chỉ biết cảm ơn thôi. Đến 13giờ ngày 05. 3 tôi lại lên tàu về lại đất liền trong lòng biết bao yêu thương và quý mến những người dân thân quen và những em học sinh cũ của tôi đang sống và làm việc tại hòn đảo tiền tiêu này của Tổ quốc.