Linh hồn Lý Sơn

0
60

Cả đời cụ Võ Hiển Đạt ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gần như gắn liền Âm linh tự – ngôi đền liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Nhiều người ví đảo Lý Sơn là “ngôi đền thiêng”, có chức năng kết nối người dân Việt với quá khứ bằng những ký ức về Hoàng Sa, và cụ Võ Hiển Đạt chính là một trong những linh hồn của “ngôi đền”ấy.

Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn (Ảnh: Thanh Hải)
Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn (Ảnh: Thanh Hải)

Ông đồ trên đảo

Là con trai duy nhất của một gia đình khá giả, mà theo cách nói của cụ Võ Hiển Đạt là “vừa chân đồng, vừa chân biển”, trong đó nghề biển là nghề chính, nên cụ Đạt may mắn được ăn học. Từ năm 8 tuổi, cụ đã theo học chữ Hán với các ông đồ trong làng.

Những con chữ thâm thúy tự bao giờ đã cuốn hút, đeo đuổi mãi, để rồi, ngay cả khi lấy vợ rồi có con, cụ vẫn tiếp tục nghiên cứu Hán tự, và trở thành “ông đồ” duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn bây giờ. Người dân trên đảo hay trìu mến gọi cụ Đạt là “ông đồ Hoàng Sa”. Hiện tại, cụ Đạt đang sống cùng gia đình trong ngôi nhà cổ, do tổ tiên của cụ xây dựng cách đây gần 200 năm ở thôn Tây, xã An Vĩnh.

Đảo Lý Sơn nhỏ, chỉ chưa đầy 10km2, nhưng dày đặc các di tích đình, chùa, lăng, miếu, với nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trong đó có hơn một nửa liên quan trực tiếp tới việc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mỗi lần trùng tu đình làng, nhà thờ hay hệ thống nhà cổ, các tộc họ thường mời cụ Đạt – vốn nổi tiếng là người am hiểu Hán văn – tư vấn, giúp chạm, khắc chữ “thổi hồn” cho các di tích. Mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều gia đình còn đến nhà cụ xin chữ để cầu mong bình an, phúc lộc thọ cho gia đình.

Khi nào có người nhờ cậy, cụ đều vui vẻ nhận lời mà không nhận một khoản thù lao nào. Khắp đảo này, những hoành phi, câu đối, liễn, khảm trong các tư gia, tộc họ, lăng miếu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân đội hùng binh Hoàng Sa, hay những thông điệp lưu lại cho đời sau, đều mang dấu ấn của cụ Đạt.

Tin HOT:   "Vàng trắng Lý Sơn" phủ kín các mái nhà trên đảo

Ông Võ Văn Út – hậu duệ đời thứ 4 của cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết – chia sẻ: “Người dân trên đảo Lý Sơn rất kính trọng và quý mến cụ Đạt như người thầy. Cụ có công rất lớn trong việc tu sửa, khôi phục, gìn giữ di tích của hải đội Hoàng Sa trên đảo suốt nhiều năm qua”.

Mỗi dịp tháng 3 âm lịch về, Lý Sơn lại rộn ràng với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Người dân trên đảo và những du khách tham dự lễ hội này lại được chiêm ngưỡng những thuyền câu được tái hiện và những linh vị ghi tên tuổi, quê quán của các binh phu ra đi Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa không trở về, được viết nắn nót bằng chữ Hán do cụ Võ Hiển Đạt kỳ công phục dựng.

Để có được những mô hình thuyền câu và những linh vị trang trọng ấy, trong một lần được mời vẽ lại đôi liễn đối tại nhà thờ họ Nguyễn ở xã An Hải, cụ đã phát hiện mô hình chiếc thuyền câu của đội hùng binh Hoàng Sa vẽ trên giấy bản khổ lớn, đã ố màu thời gian được tộc này cất giữ cẩn thận. Cụ đã ghi chép tỉ mẩn hình dáng, kích thước, chất liệu để có thể phục dựng những kinh thuyền Hoàng Sa cho mỗi dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm.

Từ bản vẽ này, cụ Đạt đôn đáo khắp nơi tìm vật liệu trên đảo và một số địa phương ven biển ở đất liền, phục chế chiếc thuyền buồm của ông cha ta đã ra Biển Đông năm xưa. Lần đầu tiên chiếc thuyền câu của đội thủy binh Hoàng Sa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong cả nước tại tuần lễ văn hóa biển đảo Quảng Ngãi. Hiện nay, tại Bảo tàng Quảng Ngãi và Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa cũng trưng bày mô hình thuyền câu Hoàng Sa năm xưa do cụ Đạt phục dựng.

Tin HOT:   'Nghĩa địa' san hô hóa thạch 6.000 năm, rộng 20.000 m2 ở Lý Sơn

Cụ Đạt nói: “Tổ tiên mình năm xưa ra Hoàng Sa, Trường Sa bằng phương tiện gì, làm bằng chất liệu gì, đó là điều đã ám ảnh tôi nhiều năm trời. Đến khi nghỉ đi biển chuyển sang đóng thuyền buồm, tôi mới vỡ lẽ rằng, cha ông ta ngày xưa đóng thuyền theo mô hình của ngư dân vùng biển Trung Bộ, chất liệu chủ yếu vẫn là gỗ và tre. Sau nhiều tháng phục dựng, chỉnh sửa, tôi đã hoàn thành con thuyền và những hiện vật liên quan. Các nhà chuyên môn đã đánh giá cao mô hình phục chế này”.

Không muốn để mai một công việc làm sống lại lịch sử hào hùng của cha ông, hiện cụ Đạt đã kèm cặp và truyền nghề cho một số thanh niên trên đảo. Anh Phạm Văn Bổn – một trong những người học trò đó – đã tỏ ra xứng đáng với công sức của cụ.

Sau nhiều năm được cụ Đạt truyền dạy, anh Bổn đã có thể tự mình đóng được những chiếc thuyền câu phục vụ lễ hội. Anh kể: “Nhờ sự chuyên tâm truyền dạy của thầy mà anh em tôi đã tiến bộ rất nhanh. Năm nay chúng tôi đã đóng 10 chiếc phục vụ cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Và bảo tàng sống của quê hương Hải đội Hoàng Sa

Đến thăm Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục bởi những dòng chữ Hán tinh xảo khắc trên quần thể tượng đài đội hùng binh do cụ Đạt góp sức: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (tạm dịch: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng) – Minh Mạng thứ 17 năm Bính Thân”.

Chính nhờ vốn chữ Hán uyên thâm mà cụ Đạt đã phát hiện ra nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trên đảo Lý Sơn. Nhiều bậc cao niên trên đảo còn ví cụ Đạt là bảo tàng sống của quê hương đội hùng binh Hoàng Sa.

Ông Võ Xuân Huyện – Bí thư Huyện ủy Lý Sơn – cho biết: “Cụ Đạt có thể đọc và dịch được nhiều tư liệu, tài liệu chữ Hán mà các dòng họ trên đảo còn lưu giữ. Chính cụ đã phát hiện tờ lệnh Hoàng Sa mà tộc Đặng ở thôn Đồng Hộ cất giữ suốt 175 năm qua, từ đó có thêm được những chứng cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tin HOT:   Chấn chỉnh tình trạng lộn xộn ở cảng Lý Sơn

Đã ở vào tuổi ngoài 80, nhưng cụ Đạt vẫn khiến người ta phải nể phục không chỉ bởi vốn kiến thức uyên thâm, mà còn bởi một trí tuệ minh mẫn. Cụ có thể thuộc lòng và tỉ mỉ liệt kê hàng trăm chi tiết để có thể phục chế chiếc khinh thuyền của đội Hoàng Sa, hay sang sảng đọc những câu chữ trong tờ lệnh, cấp cho ông Đặng Văn Siểm, ban hành ngày 15.4 năm Minh Mệnh thứ 15, tức là năm Giáp Ngọ 1834, để điều động binh thuyền của các tộc họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành nhiệm vụ.

Tờ lệnh có thể coi là “cuốn sổ đỏ” của cha ông ta về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước. Điều đáng trân trọng hơn nữa, dù tuổi cao, cụ Đạt vẫn cần mẫn tìm những cứ liệu chứng minh hai quần đảo thiêng liêng này là thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, góp công, góp sức bảo tồn các di tích về Hải đội Hoàng Sa mới được xây dựng trên đảo cho con cháu đời sau.

Cứ vào dịp tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm, cụ Đạt lại bận rộn lo toan với những linh vị, hình nhân thế mạng, mô hình thuyền câu. Có thể nói, cụ vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong nghi thức tế lễ có một không hai trên đất đảo này. Điều khiến cụ Đạt luôn trăn trở là bây giờ không có ai trên đảo Lý Sơn theo học chữ Hán, một trong những yếu tố cần thiết để sau này có thể trở thành người tiếp bước cụ giữ hồn nước ở Lý Sơn.

 

Danh Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here