Từ khi chuyển công tác về Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi có điều kiện được đi nhiều hơn, biết nhiều hơn.
Không những chỉ đi trong địa bàn Tây Nguyên mà tôi còn có điều kiện đi công tác ở hầu hết các tỉnh, thành. Nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm để lại sau mỗi chuyến đi.
![]() |
Tác giả trong một chuyến ra đảo.. |
Càng quạt, càng nóng
Tôi đến Lý Sơn từ thời huyện đảo này còn chưa có điện lưới. Những cơn gió từ biển thổi vào vẫn không đủ sức làm dịu đi cái nóng bốc lên từ cát.
Tối đó, trải chiếu ngồi nhà anh bạn đồng thời cũng là một “quan chức” của huyện đảo, chúng tôi cùng uống rượu hải sâm, ăn đồ biển.
Nóng quá. Anh bạn vào nhà, khệ nệ bê ra cây quạt máy còn mới cứng mà theo như anh nói là vừa mới “tậu” về từ thành phố Quảng Ngãi. Quạt được cắm dây vào bình ắc-quy, bật công tắc, quay nghe ù ù.
Uống rượu ngon. Ăn hải sản giãy đành đạch vừa được bắt lên từ biển. Những câu chuyện về hành tỏi, về làm nông nghiệp trên đảo được các anh kể cho nghe vô cùng thú vị.
Nhưng ấn tượng nhất, thích nghe nhất vẫn là những câu chuyện về những chuyến vươn khơi bám biển, về những chuyến tàu cập bến khi thì đầy ắp cá tôm, khi thì… chẳng có con nào.
Rồi những câu chuyện về ngư dân Lý Sơn vừa ra khơi đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Nóng quá. Quạt bấm số lớn nhất, vẫn nghe tiếng chạy vù vù, nhưng sao càng quạt càng nóng. Lại gần xem thử, hóa ra… cắm nhầm cọc bình ắc- quy: Cực âm cắm vào cực dương, và ngược lại…
Anh xe ôm tốt bụng
Lần khác ra đảo Lý Sơn. Công việc đã xong, tôi tìm đến nhà mấy anh bạn cùng học trường Sư phạm Nghĩa Bình đã gần ba mươi năm chưa gặp lại.
Ra chợ trước khách sạn hỏi, hầu như ai cũng biết. Chị bán hàng lưu niệm gọi giúp tôi anh xe ôm đứng gần đó. “Thầy Kim ư, để tôi chở ông đến tận nhà”- anh xe ôm nhiệt tình nói.
Theo thói quen ở đất liền, tôi buột miệng hỏi: “Xa không, bao nhiêu tiền?”. Anh xe ôm hơi sững người một chút, sau đó mỉm cười, trả lời: “Mười ngàn” (sau đó tôi mới biết, ở đảo Lý Sơn, chả ai hỏi giá xe ôm bao giờ, bởi xe ôm ở đảo này luôn lấy tiền đúng với công sức của mình).
Tìm đến nhà Kim, nhưng không có nó ở nhà, lại quay về khách sạn. Tôi móc ví, rút tờ hai mươi ngàn đồng đưa anh xe ôm, anh trả lại tôi mười ngàn đồng, nói: “Anh đi tìm bạn mà không gặp bạn, tôi chỉ lấy tiền của anh vòng đi thôi”.
Cảm kích, tôi mời anh xe ôm tên là Hậu ra quán cóc ngồi nhậu. Lại những câu chuyện về đảo, về biển. Cuộc nhậu càng lúc càng vui bởi thỉnh thoảng lại có thêm một vài anh xe ôm khác đến ngồi cùng nhân lúc không có khách.
Chuẩn bị đến giờ chuyến tàu rời bến quay về đất liền là cảng Sa Kỳ. Tôi móc ví thanh toán, nhưng chị chủ quán không nhận tiền của tôi, mà rằng: “Cuộc nhậu này, mấy anh xe ôm mời anh, anh không được phép trả tiền đâu”.
Đành vậy. Tôi nói anh Hậu chở tôi ra bến tàu, Hậu nói: “Tôi đang nhậu, ông lấy xe của tôi ra bến tàu mà lên tàu về đi”. “Vậy còn xe máy?”- tôi hỏi. Hậu trả lời: “Ông cứ để trên bờ ấy, ở đây không mất đâu mà lo”.
Sáng hôm sau, từ thành phố Quảng Ngãi, tôi gọi điện cho Hậu, cảm ơn anh và các bạn xe ôm tốt bụng, nhân tiện hỏi về chiếc xe máy, mới biết mấy anh xe ôm nhậu cho đến tối, rồi nhà ai nấy về.
Sáng sớm Hậu ra bến lấy xe, tiếp tục một ngày xe ôm. Cả xe, cả mũ bảo hiểm vẫn nguyên vẹn sau một đêm vô chủ ngoài bến tàu…
Đoàn Lý Sơn ư, miễn phí
Nhân chuyến công tác một số tỉnh miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên, đoàn cán bộ huyện đảo Lý Sơn ghé đến TP Pleiku (Gia Lai).
![]() |
Tác giả trên đường ra đảo Lý Sơn.. |
Tôi mời các anh nhậu món gỏi lá là một trong những món đặc sản ở vùng Bắc Tây Nguyên. Mồi ngon, rượu ngon, không gian đẹp. Lại những câu chuyện về biển, về đảo, về con người Lý Sơn mà với tôi không bao giờ cũ.
Anh Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đảo Lý Sơn kể câu chuyện trong chuyến đi vừa rồi, mới xảy ra cách đây hai hôm….
Rằng chiều hôm đó đoàn Lý Sơn nhậu ở Tây Ninh. Anh chủ nhà hàng (chính hiệu “Anh Hai Nam Bộ”) nghe khách nói giọng Quảng Ngãi, hỏi ra mới biết khách từ huyện đảo Lý Sơn.
Nhậu xong, gọi thanh toán tiền, anh chủ nhà hàng mang đến thùng bia, mời khách mỗi người một lon, sau đó nói, dù chưa một lần đặt chân lên đảo Lý Sơn, nhưng qua báo đài, anh ta có vô vàn ấn tượng tốt đẹp về hòn đảo này, về những con người kiên trung trên đảo Lý Sơn.
Sau đó, anh chủ nhà hàng “phán”: “Người Lý Sơn ư? Nhậu không lấy tiền. Nhiều bao nhiêu cũng không lấy. Lần sau, các anh có dịp đi công tác ở đây, ghé nhà hàng chúng tôi, nhậu “tẹc ga”, không tính tiền!”.
Đúng chất “Anh hai Nam Bộ”!
Xong cuộc nhậu gỏi lá, cũng gần nửa đêm, tôi gọi chủ quán tính tiền. Hiền- chủ quán, bước đến nói: “Lúc nãy em nghe các anh kể chuyện về cuộc nhậu ở Tây Ninh. Em cũng như anh chủ nhà hàng ở đó, rất ấn tượng các anh, rất yêu quý đảo Lý Sơn.
Nghe các anh kể chuyện hay quá, đàn hát hay quá, em rất mến mộ. Cuộc nhậu này, cho phép em mời!”.
Khi biết tôi có ý định kể lại những câu chuyện nói trên, đăng trên ấn phẩm đặc biệt nhân 70 năm ngày thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Lê nói: “Anh hãy viết về những ngư dân Lý Sơn trong những ngày giàn khoan Hải Dương 981 neo đậu bất hợp pháp trên vùng biển nước ta…”.
Anh Lê kể, những ngày ấy, mặc cho sự uy hiếp của phía Trung Quốc, ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trung bám biển. Mỗi ngư dân – vừa đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình, vừa là tai mắt cho ta, bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…
Chuyện về Lý Sơn, nhiều lắm. Chuyện nào cũng hay, cũng vui, cũng xúc động…