Đảo Lý Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách. Xác định đầu tư tăng cường hệ thống cây xanh cảnh quan để cải thiện môi trường và phòng hộ chống xói mòn, duy trì nguồn nước ngầm là một việc làm cấp thiết. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với sở ngành, địa phương liên quan để giải quyết những vướng mắc của Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn.

Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn với quy mô 130ha, trong đó diện tích trồng rừng là 118ha, diện tích trồng cây cảnh quan là 12ha. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (từ 2011 – 2016), với các loại cây trồng như sanh, sộp, bồ đề, bàng phễu, phi lao; 12 ha còn lại là trồng cây cảnh quan (2.027 cây). Dự án có tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, dự án được giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và được chia ra nhiều giai đoạn thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, sau gần 5 năm thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án, nhưng đến nay dự án mới triển khai trồng được 83,8/118 ha tại các khu vực núi Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền, núi Hòn Tai, núi Thới Lới và xã An Bình (Đảo Bé), đạt 71% khối lượng. Về hạng mục trồng cây cảnh quan đã trồng được 1.657/2.027 cây trên các trục đường giao thông, cơ quan, trường học, đê, kè… đạt 81% khối lượng. Tổng giá trị giải ngân đến thời điểm báo cáo là 12,7 tỷ đồng, đạt 63,34%.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng cho biết, trong điều kiện thời tiết trên đảo cực kỳ khắc nghiệt, nhiều khu vực khô cằn sỏi đá, đất nhiễm mặn, thiếu nước tưới vào mùa khô,…Bên cạnh đó, tình trạng bò, dê của người dân thả rông tại các khu vực rừng trồng đã ảnh hướng rất lớn đến công tác trồng rừng, sinh trưởng, phát triển cây trồng. Với sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, nhiều giải pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ đã được áp dụng đồng bộ nên tỷ lệ cây sống bình quân đạt từ 70-95%, chiều cao trung bình của rừng trồng và cây cảnh quan đến nay đạt từ 1,5-2,5m.
Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ kết thúc công tác trồng rừng trong năm 2016, tuy vậy với khối lượng thực hiện như trên dự án đã chậm tiến độ, khó có khả năng hoàn thành trong năm như kế hoạch đề ra, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Cũng theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trong những năm qua, nhiều dự án trồng rừng được triển khai trên đảo như dự án PAM, 327… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ các dự án này không cao. Nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa thấy được cái lợi của việc trồng rừng, hiện tượng chặt phá cây trồng, đốt rẫy, làm cháy nhiều diện tích rừng trồng thường xuyên xảy ra nên thu hẹp diện tích phủ xanh, bên cạnh đó, với thói quen thả rông gia súc, gia cầm, vật nuôi của người dân địa phương nên xảy ra tình trạng dẫm đạp cây con nên tỉ lệ cây sống đạt thấp.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục đầu tư chăm sóc đối với diện tích rừng trồng tại khu vực núi Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền để cây khép tán tạo thành rừng. Riêng khu vực lòng chảo núi Giếng Tiền cần trồng xen hàng cây phi lao giữa hai hàng để nâng mật độ cây trồng; đối với diện tích rừng trồng tại núi Hòn Tai, núi Thời Lới và Đảo Bé tiếp tục triển khai chăm sóc cây trồng theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển, lựa chọn những loại cây trồng có tỷ lệ sống cao để trồng dặm thay thế cây đã chết.
Cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu UBND huyện Lý Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng rừng cải thiện môi trường sống, môi trường cảnh quan trên huyện đảo trước diễn biến khí hậu, từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, không thả rông bò, dê ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển cây trồng.
Bài & ảnh:Võ Hà