Sau hơn một năm có nguồn điện lưới Quốc gia, Lý Sơn hôm nay đã chuyển mình để vươn lên, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư xây dựng mới, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân không ngừng phát triển và nâng cao. Đây là điều kiện để Đảng bộ, chính quyền huyện Lý Sơn phấn đấu xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị Biển xanh – sạch đẹp – văn minh theo NQ Đảng bộ huyện lần thứ VI ( nhiệm kỳ 2015 -2020) đề ra.
Vũng tàu thuyền An Hải những ngày này cuối năm này thật nhộn nhịp, nhiều tàu thuyền của ngư dân sau những chuyến biển xa bờ, nay lại cập về đây để sửa chữa nâng cấp. Từ khi có điện lưới Quốc gia tại khu vực này đã mọc lên nhiều cơ sở sản xuất phục vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu của ngư dân địa phương.
Khu cơ sở trường đà bề thế, sửa chữa tàu thuyền Lý Sơn của ông Lê To, ở thôn Đông xã An Vĩnh là một điển hình. Nếu như trước đây, cơ sở này chỉ “ lèo tèo” những máy móc cũ kỹ, thô sơ, thì nay đã được thay thế bởi những thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền công suất lớn của ngư dân, bên cạnh đó khi chưa có điện lưới Quốc gia mỗi tháng cơ sở này phải bỏ ra 4 -5 triệu đồng tiền nhiên liệu để chạy máy nổ, thì nay chi phí này đã giảm hơn một nửa, việc tiếp nhận các phương tiện tàu cá của ngư dân vào đây sửa chữa đã tăng lên đáng kể.
Lý giải điều này, ông Lê To, chủ cơ sở cho biết, Từ khi có điện lưới Quốc gia việc làm ăn của cơ sở thuận lợi hơn, bởi máy móc, trang thiết bị hiện đại được đầu tư mua mới, đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân. Có nguồn điện lưới, chi phí trong sản xuất đã giảm đáng kể nên thu nhập luôn tăng cao.
Ngoài phát triển lĩnh vực hậu cần nghề cá. Nguồn điện lưới Quốc gia còn phục vụ đắc lực cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân trên đảo. Hiện nay, tại hầu hết các cánh đồng trong huyện và cơ sở sản xuất trên đảo đều sử dụng nguồn điện này.
Bà Phạm Thị Hương – PCT.UBND huyện Lý Sơn khẳng định: Hơn một năm có điện lưới Quốc gia, cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã không ngừng được cải thiện, bộ mặt Lý Sơn đã và đang đổi thay, tốc độ tăng trưởng các ngành nghề kinh tế cao hơn những năm trước, năm 2015, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt gần 1 ngàn tỷ đồng, tăng trên 17% so với năm 2014, nhiều công trình dự án lớn đang thi nhau mọc lên, hàng trăm cơ sở sản xuất hình thành, huyện đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để kéo điện lưới ra một số đồng phục vụ sản xuất, điều này giúp nông dân vừa chủ động được nguồn điện vừa tiết kiệm chi phí và nâng cao sản lượng cây trồng, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, đảm bảo QPAN của địa phương, huyện khuyến khích kêu gọi đầu tư vào mọi lĩnh vực để đưa huyện đảo phát triển về mọi mặt. Trong đó, chú trọng đến các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với quyết tâm xây dựng huyện đảo mạnh về kinh tế – vững chắc về QPAN trở thành đô thi biển xanh- sạch đẹp – văn minh trong thời gian tới./.