Ông Võ Ái Nhân, quê xã An Bình (Lý Sơn), đã sống và trồng tỏi ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hơn 20 năm bảo rằng, người Lý Sơn ý thức được việc đất đảo hạn hẹp sẽ không phát triển được đặc sản tỏi Lý Sơn, đã ra đi tìm vùng đất mới trồng tỏi từ 35 năm về trước.
Cuộc ra đi ấy của người Lý Sơn đã thay đổi những vùng đất cằn cỗi của Khánh Hòa. Tất cả như một câu chuyện cổ tích.
Chuyện người “khai sinh” tỏi Khánh Hòa
Ở tuổi 55, ông Nhân bảo trí nhớ cũng giảm sút nhiều, nhưng những chuyến đi tìm vùng đất trồng tỏi thời ông mới 20 tuổi thì không thể nào quên được. Năm 1985 là thời điểm những người dân Lý Sơn tiên phong đi tìm vùng đất mới trồng tỏi, trong đó có ông Nhân. Họ đã vào Nam, ra Bắc tìm một vùng đất có thổ nhưỡng giống như ở Lý Sơn. Tính dọc bờ biển từ Quảng Bình vào đến tận mũi Cà Mau, người Lý Sơn lùng sục nhiều năm, nhưng đành “phủi tay” trở về.
Cây tỏi Lý Sơn bén duyên, làm thay đổi vùng đất duyên hải tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trần MaiThời đó, những người như ông Nhân chia làm nhiều tốp, ghé chỗ nào là xem kỹ thổ nhưỡng rồi đào một vũng đất lên xem như dân “tăm” vàng. Thấy chất đất không giống quê mình lại tiếp tục đi chứ không ai ở lại lâu. “Đó cũng chính là nguyên nhân mà người Lý Sơn thất bại trong những chuyến chinh Nam, phục Bắc tìm đất trồng tỏi”, ông Nhân đúc kết.
Nhiều người đã bỏ cuộc. Những cái tên như Phục, Hoàng, Trọng, Bé… ra đi cùng ông Nhân đã không trở về lại Lý Sơn mà ở vùng đất nào đó làm nghề khác, đến giờ này ông Nhân cũng không có thông tin. Còn ông Nhân, sau khi chán chê vùng duyên hải, đã có cuộc hành trình tiến lên Tây Nguyên. Bảy năm, trải qua nhiều công việc khác nhau, có lúc loay hoay với một số cây dược liệu như sâm địa, ngô tất, hà thủ ô… Nhưng rồi ông Nhân nghĩ, người Lý Sơn như ông ra đi là để tìm nơi phát triển tỏi, nên không thể bỏ cuộc và sống an phận. Cái lý đó đã giúp ông quyết tâm đi tìm cho được “miền đất hứa”, nơi có đất cát pha vôi để trồng tỏi.
Năm 1988, trong một lần tình cờ, ông Nhân có dịp ghé xã biển Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), ông nhận ra đó là vùng đất mình tìm kiếm bấy lâu. Nơi đây, mưa nhiều, nắng không đến nỗi quá gay gắt, quan trọng nhất là có loại cát vôi giống ở Lý Sơn. Ông Nhân quyết định ở lại vùng đất này.
Người Lý Sơn và người bản địa sống ôn hòa, giúp đỡ nhau. Ảnh: T.MLần tình cờ ấy giúp ông Nhân ở lại Ninh Phước cho đến tận bây giờ. Với ông đó là cái duyên. Tháng 10.1988, ông Nhân mượn 500m2 đất của người dân địa phương ban lại bằng phẳng rồi đầm nện đất thử trồng tỏi. Năm đầu tiên, cây tỏi không cho củ như kỳ vọng. Ông Nhân vẫn không từ bỏ, tiếp tục về Lý Sơn lấy tỏi, hành vào tiếp tục trồng. Lần thử nghiệm thứ hai ấy đã thành công. Đưa tay chỉ về hướng nhà máy Huyndai Vinashin, nơi đầu tiên cây hành, tỏi Lý Sơn bám rễ ở đất Khánh Hòa, ông Nhân tâm sự: “Khi cây tỏi cho củ to đẹp, tôi mới ngớ người ra, trước đó tôi không phả một lớp đất thịt phía dưới lớp cát san hô nên tưới bao nhiêu nước cũng rút hết. Gặp trận gió biển thổi mạnh, cây tỏi chỉ phát triển phần lá mà không cho củ, nên mới thất bại thảm hại. Nhờ có vụ tỏi đó mà bây giờ mới có vùng tỏi bao la này”.
Khai ấp, lập làng
Từ 500m2 đó, ông Nhân bỏ ra hai cây vàng mua 2ha đất hoang khai khẩn trồng tỏi. Lúc đó, những người bản địa nghĩ ông khùng, bởi biết bao thế hệ sinh sống ở vùng đất này chỉ biết lên những chiếc ghe bám vịnh Vân Phong kiếm sống qua ngày, chẳng có ai hy vọng gì vào những triền đất bao la đến cây dại còn phải chết đứng chỉ sau một trận gió biển quật ngang. Nhưng ông Nhân đã làm thay đổi suy nghĩ của người địa phương. “Hồi đó, tôi khai hoang không kể ngày đêm. Cây dại sạch đến đâu lại cào hết lớp đất, đá tạp mang kè quanh bờ, gánh cát biển phủ lên, đầm phẳng trồng tỏi đến đó”, ông Nhân nhớ lại.
Ông Võ Ái Nhân, người đầu tiên đưa tỏi Lý Sơn vượt biển vào bám rễ ở Khánh Hòa. Ảnh: Trần MaiSáu năm ròng rã, ông có trong tay 2ha đất sạch phẳng lỳ nối từ đường lộ ra tận bờ biển. Ông Nhân mua thêm 2ha đất hoang nữa và trở về Lý Sơn đưa người thân cùng mình mang tỏi vượt biển vào Khánh Hòa. Năm 1994, bà Nguyễn Thị Đặng (55 tuổi) và ông Võ Hoàng Vinh (41 tuổi) theo ông Nhân từ Lý Sơn vào xã Ninh Phước khai ấp, lập làng trồng tỏi.
Kể về câu chuyện người Lý Sơn vào Ninh Phước trồng tỏi, bà Đặng bảo rằng sau khi bà vào được sáu tháng thì một nhóm người tiếp theo vào. Một năm sau thì dân Lý Sơn vào đây hơn 20 người. Hơn 30ha đất hoang được khai khẩn. “Không tính chú Nhân thì từ khi tôi vào Khánh Hòa đến giờ, phải có chừng 30 cuộc di dân từ Lý Sơn vào đây trồng tỏi”, bà Đặng nói. Ngôi làng người Lý Sơn ở Ninh Phước đã được lập lên sau những chuyến di cư theo cây tỏi như thế.
Thời cao điểm nhất, có khoảng 200 ngôi nhà người Lý Sơn ở vùng đất này. Anh Đặng Minh, người từ đảo Bé (Lý Sơn) vào Ninh Phước gần 20 năm. Ông Minh là em trai của ông Đặng Hoàng Kính, người mà được dân đảo Bé gọi là “Người khai chữ cho đảo Bé”. “Ngày đó, nếu anh Kính không tâm huyết với việc dạy chữ thì cũng đi vào đây trồng tỏi như tôi rồi”, ông Minh quả quyết.
Làng người Lý Sơn nằm chen với người bản xứ, họ sống chan hòa, yêu quý nhau. Kinh nghiệm trăm năm của người Lý Sơn được truyền dạy cho người bản xứ trồng tỏi. Những cái tên Ba Năng, Hai Khỏe, Út Đáng là người Khánh Hòa trồng tỏi và trở thành tỷ phú đã minh chứng cho công lao của người Lý Sơn với vùng đất lưng tựa núi Hòn Cổ, mặt chạm vịnh Vân Phong mà cách đây 30 năm còn đói khổ. Ông Hà Luôn – Chủ tịch UBND xã Ninh Phước bảo rằng, từ bé được sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, 70% dân số trước đây sống nhờ đánh bắt tôm cá gần bờ, số còn lại trồng lúa một vụ với buôn bán cá sống qua ngày. Từ ngày người Lý Sơn mang cây tỏi vào đây, mọi thứ đã đổi khác rất nhiều. “Tôi làm cán bộ xã, rồi chủ tịch HĐND, giờ làm chủ tịch UBND nên biết rõ. Dân ở đây có cuộc sống khấm khá phải cảm ơn người Lý Sơn rất nhiều. Chính họ là người khai khẩn vùng đất này trở nên trù phú”, ông Luôn nói.
Trần Mai