Cờ Tổ quốc trong lòng người Lý Sơn

0
176

Cờ Tổ quốc là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc… Chính vì ý nghĩa lớn lao đó nên việc treo cờ Tổ quốc được quân và dân huyện đảo Lý Sơn thực hiện một cách thường xuyên và đã trở thành nét văn hóa riêng biệt trên quê hương Hải đội Hoàng Sa. Người người, nhà nhà treo cờ Tổ quốc để thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trẻ huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: CTV
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trẻ huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: CTV

Cờ Tổ quốc hiên ngang phấp phới

Trên đỉnh núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất đảo Lý Sơn có một cột cờ cao chừng 20m, trên đỉnh treo lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa muôn trùng sóng nước. Đây được xem là biểu tượng của lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân huyện đảo Lý Sơn. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lý Sơn làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển đảo, khi hành quân đến vị trí cột cờ đều đứng nghiêm trang chào cờ Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, đứng dưới cờ Tổ quốc thiêng liêng, kiêu hãnh, cán bộ, chiến sĩ càng ý thức được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho những chiến sĩ Biên phòng vững bước trên đường tuần tra.

Tin HOT:   Thiên Tân Group được giao đầu mối tìm đối tác quy hoạch đảo Lý Sơn

Đại úy Nguyễn Quang Vinh, Chính trị viên phó Đồn BP Lý Sơn cho biết: Việc tổ chức treo cờ và chào cờ, đơn vị thực hiện nghiêm túc theo quy định của điều lệnh QĐND Việt Nam. Còn trong quá trình tuần tra, bảo vệ khu vực biên giới biển do đơn vị quản lý, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, đội hình tuần tra khi đi qua địa điểm cột cờ trên núi Thới Lới phải tổ chức chào cờ theo đúng nghi lễ; nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đến quê hương Hải đội Hoàng Sa, ai cũng trông thấy từ cổng chào đón khách, đình làng, doanh trại quân đội cho đến nhà ở… đâu đâu cũng có cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Việc treo cờ Tổ quốc đã trở thành truyền thống, nếp sinh hoạt hàng ngày của mỗi công dân, quân nhân, cán bộ đang sinh sống, công tác, lao động và học tập nơi huyện đảo tiền tiêu này. Nhà nhà treo để bồi đắp thêm lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, quyết tâm bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Gần đến ngày lễ Quốc khánh 2-9, ông Phạm Thoại Tuyền, 72 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, chọn một lá cờ thật mới treo trước ngôi nhà cổ thay thế cho lá cờ đã bạc màu vì mưa nắng. Treo xong, ông vuốt cờ cho thật thẳng những nếp gấp và mân mê lá cờ như báu vật thiêng liêng. Với ông, Quốc kỳ có một vị trí rất quan trọng, là biểu tượng của tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc; nhiều chiến sĩ cách mạng thà chịu hy sinh để lá cờ luôn được tươi thắm, cho đất nước được trường tồn, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Vì vậy, mọi người ngày càng hiểu về ý nghĩa, giá trị của lá cờ Tổ quốc. Đối với ông Tuyền, việc treo cờ đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt, ăn sâu vào đời sống tinh thần của những người dân đất đảo.

Tin HOT:   Khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Lý Sơn

Niềm tự hào của ngư dân trên biển

Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo tiền tiêu, ông Tuyền đã tận mắt chứng kiến hầu hết những thăng trầm, đổi thay trên quê hương Hải đội Hoàng Sa. Trong những năm chiến tranh, mặc dù sống trong sự kiểm soát gay gắt của quân địch nhưng trong mỗi gia đình đều may sẵn cờ Tổ quốc, khi có cơ hội là treo để biểu thị lòng yêu nước, quyết không chịu khuất phục kẻ thù.

Vào đầu năm 1833, những bậc tiền nhân trong Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Trương Phúc Sĩ… đã ra Hoàng Sa khai thác, treo cờ, dựng bia để xác định chủ quyền. Ngày nay, việc treo cờ của người dân Lý Sơn còn thể hiện sự tiếp nối truyền thống cha ông, quyết tâm bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương, đất nước.

Cờ Tổ quốc không những được treo trên đảo, mà còn đi cùng ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi, vào lộng. Ở vũng neo đậu tàu thuyền xã An Hải có hàng trăm tàu cá ngư dân đang chực chờ hướng ra Hoàng Sa, Trường Sa; mỗi con tàu có 2 lá cờ Tổ quốc đỏ thắm treo trên đỉnh cao nhất. Lá cờ đỏ sao vàng giúp ngư dân vơi đi cảm giác mênh mông của biển cả, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho ngư dân kiên cường bám biển, giữ đảo, bảo vệ chủ quyền.

Tin HOT:   Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em ngư dân Lý Sơn

Với ngư dân, cờ đỏ sao vàng bay trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa còn là biểu tượng về chủ quyền, nâng cao trách nhiệm của những người mang trong mình dòng máu con, cháu Hùng binh, những người được ví như trường lũy trên Biển Đông phải bám chặt nơi ấy để bảo vệ, giữ gìn. Đã có không ít ngư dân Lý sơn dám đối mặt, đón nhận những hiểm nguy để bảo vệ cờ Tổ quốc với suy nghĩ: Còn cờ là còn tàu, còn ngư dân Lý Sơn ra biển.

Để động viên tinh thần yêu nước, tiếp tục giữ gìn phát huy nét đẹp văn hóa treo cờ Tổ quốc trên hòn đảo tiền tiêu, chính quyền huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách treo cờ sao cho đồng bộ, thống nhất; đồng thời thể hiện sự đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang; tạo nên sức mạnh trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội; quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện đảo.

Văn Tánh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here