Cảm nhận sức sống mãnh liệt nơi huyện đảo tiền tiêu

0
68

Lý Sơn những năm gần đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách, đăc biệt những bạn trẻ. Du lịch Lý Sơn thực sự sôi động bắt đầu từ năm 2014 đến nay, như lời anh bạn hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi nói “Du lịch Lý Sơn phát triển mạnh mẽ kể từ sau thời điểm mà giàn khoan 981 của Trung Quốc đưa vào quần đảo Hoàng Sa”. Lý Sơn hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Bên cảnh vẻ đẹp trời phú cho quần thể 5 hòn đảo nằm trên miệng núi lửa, với biển trong xanh, các sản vật riêng có của Lý Sơn đang tạo sức hút vô cùng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước tìm đến huyện đảo.

Từ tháng 9 năm 2014, Lý Sơn đã được kéo điện cáp ngầm tại đảo lớn. Tháng 1/2016 thì xã An Bình là điểm cuối cùng của Lý Sơn đã có điện lưới quốc gia. Có điện đã làm cho Lý Sơn thay da đổi thịt từng ngày, đến nay trên huyện đảo có rất nhiều nhà nghỉ và khách sạn được đầu tư với chất lượng ngày càng cao. Du khách đến với huyện đảo được đáp ứng các dịch vụ du lịch ngày một tốt hơn, giá cả thì luôn làm cho những người khó tính nhất cũng phải bất ngờ.

suc-song-manh-liet-tren-dao-tien-tieu-1
Du lịch phát triển mạnh đã tạo ra giá trị gia tăng cho toàn bộ bà con nhân dân trên huyện đảo. Tỏi, hành Lý Sơn đã không còn đủ để phục vụ nhu cầu du khách. Hiện nay, với 325 ha trồng tỏi với giá luôn ở mức cao đã đem lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con nhân dân trên đảo. Đặc biệt ở Lý Sơn có loại tỏi 1 nhánh hay còn gọi là tỏi cô đơn, giá loại này vào chính mua thu hoạch tầm cuối tháng 2 đầu tháng 3 cũng lên đến 600-800 nghìn đồng cho 1 kg, còn vào thấp điểm có giá lên đến gần 2 triệu đồng.

Tin HOT:   Chấn chỉnh nạn chèo kéo du khách ở đảo Lý Sơn

Lý Sơn có thể du lịch quanh năm, nhưng thời điểm được cho là đẹp nhất đó là vào cuối tháng 12 âm lịch tới mùng 4-6 tháng giêng âm lịch nơi các lễ hội trên đảo cũng như mùa các cánh đồng tỏi xanh mướt.
suc-song-manh-liet-tren-dao-tien-tieu-2
Lý Sơn là đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng, vì vậy cách đây 3, 4 thế kỷ trước các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết đó là tại quần đảo Hoàng Sa. Hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ, và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đất đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa. Cứ tháng hai hoặc tháng 3 âm lịch nhận lệnh ra đi và đến tháng tám trở về cửa Eo (Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loại hải vật quý giá và những thứ nhặt được trên vùng biển đảo này, như đồ đồng, đồ thiếc…Theo gia phả, các bản khế ước, các sổ đinh, các văn bản định suất thuế khóa bằng chữ Hán của các dòng họ còn trên đảo Lý Sơn và những gì đang lưu truyền trong trí nhớ của nhiều bô lão, thì 70 suất đinh định chế đi Hoàng Sa và sau này cả Bắc Hải (Trường Sa và các đảo khác), nhiều nhất vẫn là người của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 70 định suất đó được phân đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau, và người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ (vì người con trưởng phải ở nhà lo tế tự).
suc-song-manh-liet-tren-dao-tien-tieu-3
Đội Hoàng Sa được thành lập chính thức năm nào, lịch sử không ghi rõ, chỉ biết là vào thời “đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước”(của chúa Nguyễn ở Đàng Trong), tức sớm nhất có lẽ là vào cuối thế kỷ XVI, hoặc đầu thế kỷ XVII). Nếu cứ tạm thời xác định, là đội Hoàng Sa, và sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải, mộ thêm các ngư dân ở Quảng Bình, Bình Thuận, thuộc các làng Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương), họat động liên tục suốt 3 – 4 thế kỷ, thì đã phải có hàng vạn người đã phải vượt qua không biết bao nhiêu sóng gầm, bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này.

Tin HOT:   Trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc đến ngư dân đảo Lý Sơn

Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca:

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Đến Lý Sơn để cảm nhận sức sống mãnh liệt của vùng đất này cũng là cách để truyền lửa cho những Ngư dân kiên cường bám biển đảo quê hương.

Ngô San

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here