Sáng 21-6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các sở, ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Lý Sơn, cùng các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, địa chất trong nước, Công ty Đầu tư và phát triển Đoàn Ánh Dương, Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư bất động sản Tín Việt- đơn vị tư vấn thiết kế Dự án Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa để tham gia góp ý về vị trí, địa điểm xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại Lý Sơn.
Công trình có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với Lý Sơn mà còn đối với nhân dân cả nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tại buổi làm việc, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng Lý Sơn là một địa điểm có cấu tạo thiên nhiên, địa chất rất đặc biệt mà ít nơi nào có được. Chính từ những cấu tạo đặc biệt này mà ngành Văn hóa đang lập hồ sơ đề xuất đưa Lý Sơn và một số khu vực phụ cận trở thành công viên địa chất toàn cầu- một cơ hội để du lịch Lý Sơn nói riêng và du lịch Quảng Ngãi nói chung phát triển theo một hướng mới. Do vậy, việc xây dựng các công trình trên đảo trong đó có Dự án Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa cần có một sự bàn bạc kỹ lưỡng về địa điểm xây dựng để không làm phá vỡ cấu trúc địa chất, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của đảo.
Xem thêm: Đầu năm 2016 sẽ xây dựng đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa
Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng và huyện Lý Sơn đã đưa ra 4 vị trí để lựa chọn xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất nên lựa chọn khu vực đặt công trình này tại thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Hiện trạng khu đất này một phần người dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp, phần còn lại chưa sử dụng. Diện tích khoảng 17 ha, hình thành công viên văn hóa Hoàng Sa, trong đó có xây dựng tượng đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng việc chọn địa điểm xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa phải dựa vào nhiều yếu tố, thứ nhất là yếu tố không gian, công trình phải được đặt trên một diện tích đủ rộng, có nhiều chức năng để tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa, lịch sử, tâm linh, phục vụ người dân địa phương và nhân dân cả nước khi đến tham quan, du lịch.
Thứ hai là yếu tố địa chất, địa điểm xây dựng công trình phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân công trình và không làm mất an toàn cho các công trình khác, không làm ảnh hưởng đến cấu trúc địa chất vì khi xây dựng công trình không làm ảnh hưởng đến tầng địa chất bên dưới.
Thứ ba là yếu tố mỹ thuật, phải có mối tương quan giữa mặt kiến trúc, mỹ thuật của từng hạng mục với tổng thể công trình và với khung cảnh xung quanh.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh cần lưu ý đến ý kiến tham gia của các chuyên gia, các sở ngành, vị trí đặt Khu tưởng niệm phải dễ trồng được cây xanh, gần dân, gần biển, thuận lợi về giao thông để du khách có thể đến tham quan, tăng hiệu quả, ý nghĩa thiết thực của công trình.
Phó Chủ tịch cũng đặt vấn đề cần có ý kiến của Cục Mỹ thuật- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mỹ thuật của tượng đài để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cộng đồng, xã hội khi triển khai dự án.
Lam Uyên