Sáng sớm 29.1 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Mậu Tuất), các đền chùa miếu mạo và các tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức nghi thức dựng nêu hay còn gọi là trồng đu lên phướn để đón Tết cổ truyền dân tộc.

Nghi thức dựng nêu của cư dân đảo Lý Sơn tồn tại gần 300 năm qua. Trong khi ở nhiều địa phương trong cả nước, nghi lễ này bị mai một thì tại Lý Sơn được gìn giữ bảo tồn đến ngày nay. Đây là nghi thức ăn sâu vào tâm thức, văn hóa truyền thống người dân xứ đảo.

dung cay neu ngay tet tren dao ly son 1
Cây nêu Tết là biểu tượng tri ân công đức tiền nhân và cầu mong một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt.

Trước khi dựng nêu, các đền chùa, miếu mạo và các tộc họ bắt đầu gióng trống, khua chiêng dâng lễ vật để làm nghi Lễ lên nêu. Kết thúc nghi lễ này, cây nêu được đưa ra trước sân đình, miếu hay các nhà thờ tộc để dựng lên báo hiệu với tiền nhân, ngày Tết đã đến.

Ông Trần Thọ – Ban Quản lý Lân An Hòa (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) – cho biết, lễ dựng nêu có từ xa xưa. Đây là văn hóa truyền thống của người dân trên đảo, thông qua nghi thức tâm linh này là trừ ma diệt quỷ, với mong muốn Tết đến xuân về xóm làng được bình yên, mùa màng bội thu, thuyền về tôm cá đầy khoang.

Tin HOT:   Sắc Xuân trên đảo Lý Sơn

Cây nêu Tết được làm từ cây tre già, thân cao to, dài khoảng 5 – 6 mét, thân được sơn màu đỏ, trên ngọn cây nêu được gắn thêm đầu chim phụng (còn gọi là chim công) hoặc đầu cá chép được trạm khắc tinh xảo từ gỗ vông cùng một lá cờ Tổ quốc và một lá phướn.

Nghi thức dựng cây nêu ngày Tết là dịp để các thế hệ con cháu, họ tộc trên đảo tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất đảo và tri ân cha ông nằm lại nơi Hoàng Sa đất mẹ vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

dung cay neu ngay tet tren dao ly son 2
Cây nêu được các bô lão dựng lên báo hiệu ngày Tết đã đến.

Ông Phạm Quang Ry – hậu duệ thủy quân Cai đội Hoàng Sa-Phạm Quang Ảnh – cho biết, nghi thức dựng cây nêu Tết được thực hiện vào tối 23 rạng sáng 24 tháng Chạp. Thời khắc đó, tất cả các dinh miếu, lăng thờ cá ông của các nhà thờ họ trên đảo đều đồng loạt tổ chức lễ dựng cây nêu để đón Tết.

Phong tục và nghi thức dựng cây nêu ngày Tết ở Lý Sơn là nét đẹp văn hóa của người dân trên đảo, bởi với những biểu tượng được gắn trên cây nêu thể hiện ý chí quật cường của các bậc tiền nhân.

Ngoài được dựng ở những nơi thờ tự tâm linh, những năm gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân địa phương cũng thực hiện nghi thức dựng cây nêu trên tàu cá, như biểu tượng của người dân Lý Sơn luôn hướng về Hoàng Sa – Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

dung cay neu ngay tet tren dao ly son 3
Các bô lão thực hiện nghi thức lên nêu.

“Lễ dựng nêu có từ xa xưa, để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, chính quyền huyện Lý Sơn vận động nhân dân gìn giữ, bảo tồn nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc này” – ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) – nói.

Tin HOT:   Dầm mình trong nước biển xem ngày hội đua thuyền lớn nhất tại đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, cây nêu là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân đảo tiền tiêu. Theo truyền thuyết cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời.

Theo lưu truyền, dựng nêu ngày Tết ngoài dụng ý để trừ ma diệt quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, nó còn có ý nghĩa cầu mong năm mới may mắn và mời các vị thần linh, các vị tiền bối về đón năm mới với người dân trên đảo.

Lá cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng trên cây nêu nhằm khẳng định của chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Video tục dựng cây Nêu đón tết 2019 ở đảo Lý Sơn

Nguyễn Nghĩa