Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Lý Sơn: Quá tải nhưng chưa có phương án xử lý

0
162

Hơn 6 năm đưa vào vận hành, Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Lý Sơn hiện đã quá tải. Tuy nhiên, việc nâng công suất hoạt động của nhà máy đang bế tắc.

Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Lý Sơn được xây dựng vào năm 2013, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 6.2015.

Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn.
Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn.

Ban đầu nhà máy được bàn giao cho huyện Lý Sơn vận hành, với công suất 10 tấn rác/ngày, sau đó tăng lên 15,5 tấn/ngày, rồi tiếp tục tăng lên 25 tấn/ngày. Tuy nhiên, do vận hành không hiệu quả, nên huyện đã chuyển giao cho Công ty CP Thương mại – Xây dựng Đa Lộc (gọi tắt là Công ty Đa Lộc) quản lý vận hành và huyện trả phí theo hình thức khoán định mức 23,5 tấn/ngày. Sau đó, huyện tiếp tục đưa ra phương án mới là trả phí theo khối lượng thực tế mà công ty thu gom, xử lý.

Năm 2019, khi yêu cầu thu gom, xử lý rác tăng, tỉnh đã cho phép nâng công suất lên 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực địa tại nhà máy, Sở TN&MT nhận thấy nhà máy chưa đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường, công nghệ chưa đảm bảo nên không giải quyết thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM. Vì thế, việc nâng công suất nhà máy rơi vào bế tắc cho đến nay.

Tin HOT:   Phối hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển Lý Sơn

“UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm định công nghệ, hướng dẫn bảo vệ môi trường, xử lý lượng tro xỉ tồn đọng chưa được chôn lấp. Đồng thời, hướng dẫn về thủ tục đất đai đối với việc thực hiện xã hội hóa, thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đảm bảo điều kiện nâng công suất nhà máy lên 50 tấn rác/ngày. Hiện nay, du lịch đang trầm lắng, rất thích hợp để xử lý tất cả các vấn đề trên”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn ĐẶNG TẤN THÀNH

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành, hiện nay việc nâng công suất nhà máy đang có 2 vấn đề tồn tại cần xử lý, đó là công nghệ xử lý rác thải và việc sử dụng các hố chôn lấp.

Về công nghệ, nhà máy sử dụng công nghệ đốt, ủ mùn và chôn lấp, vừa thu gom, xử lý rác thải vừa cung cấp nguồn phân vi sinh cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, phục vụ du lịch…

Thế nhưng, cuối năm 2020, qua theo dõi, huyện nhận thấy hoạt động xử lý rác thải tại nhà máy chưa đảm bảo môi trường, rác đốt không đạt yêu cầu…

Huyện đã đề nghị Sở TN&MT tổ chức kiểm tra, thẩm định công nghệ xử lý rác thải và ngày 6.5.2021 đã có kết luận, nhưng không có kết quả thẩm định công nghệ, công suất xử lý rác thải.

Tin HOT:   Xuân trên đảo Lý Sơn

Về việc sử dụng các ô chôn lấp, tại nhà máy hiện còn tồn đọng một lượng lớn tro xỉ chưa được chôn lấp theo quy định vì ô số 1 đã đầy, trong khi các ô chôn lấp số 2, 3, 4 là tài sản Nhà nước chưa cho Công ty Đa Lộc thuê.

Hiện tại bạt lót ở các ô chôn lấp này đã hư hỏng, không thể sử dụng nếu được cho thuê, nên Công ty Đa Lộc đề xuất giao cho công ty duy tu, cải tạo và sử dụng.

Vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết, trong khi lượng tro xỉ tồn đọng tại nhà máy đang gia tăng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN