Lượng nước ngọt trên đảo lên xuống thất thường. Mùa nắng lại là mùa cao điểm du lịch nên các cơ sở lưu trú không thể đáp ứng nguồn nước khi khách đông. Nhiều du khách khi lưu trú tại đây chấp nhận trả nhiều tiền hơn để có nước xài.
- Lý Sơn ‘khát’ nước ngọt
- Giếng nước ngọt Xó La ở Lý Sơn
- Nguồn nước ngọt cho Lý Sơn: Cần giải pháp căn cơ
- Thiết bị biến nước biển thành nước ngọt đầu tiên ở Lý Sơn
- Lý Sơn có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt

Đang vào mùa nắng nóng, người dân trên đảo Lý Sơn hiện chật vật tìm nguồn nước ngọt để phục vụ cho việc sinh hoạt.
Nguồn nước ngầm bị xâm nhập mặn, bên cạnh đó là hơn 2.000 giếng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đang cạn nước rất nhanh do mực nước ngầm ở đảo tụt giảm nghiêm trọng từ năm 2012 đến nay. Hiện một trong hai tổ hợp hệ thống lọc nước ngọt trị giá 1 triệu USD cung cấp 200m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho hơn 100 hộ dân tại xã đã bị hư hỏng, nên việc thiếu nước ngọt càng khiến đời sống người dân khó khăn hơn.
Thiếu nước ngọt trầm trọng, người dân tại đảo Bé phải mua nước lọc, nước bình về sử dụng. Bà Đỗ Thị Trinh (thôn Tây, xã đảo an Vĩnh) cho biết: “Cả tháng nay nhiều hộ gia đình ở đây đều phải bỏ tiền ra mua nước ngọt về nấu ăn, sinh hoạt. Làm lụng thì khó ra tiền, bây giờ càng khốn khó hơn vì phải dành dụm để mua nước”.
Được biết, hiện tại giá nước ngọt ở xã đảo An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn tăng vọt đến mức kỷ lục: từ 140.000 – 180.000 đồng/m3 từ đảo Lớn chở sang.
Việc thiếu nước ngọt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch tại huyện đảo Lý Sơn. Chủ một cơ sở lưu trú cho biết, lượng nước ngọt trên đảo lên xuống thất thường trong khi mùa nắng lại là mùa cao điểm khách du lịch nên các cơ sở lưu trú không thể đáp ứng nguồn nước khi khách đông. Nhiều du khách khi lưu trú tại đây chấp nhận việc phải trả giá cao hơn để có nước sử dụng.
Chính quyền huyện Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi đang tham vấn để nhiều cơ quan để giải quyết nạn khan hiếm nước tại huyện đảo này.
Thế Sơn – Tiêu Dao