Không chỉ là truyền thống hơn 300 năm, hội đua thuyền Tứ Linh ở đảo Lý Sơn đã trở thành một nét văn hóa, một loại hình du lịch, mà hơn hết đó còn là niềm tin của người dân đất đảo với cuộc sống ở hòn đảo tiền tiêu này.

Hằng năm Tết đến, xuân về nhân dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có tục lệ cổ truyền mở hội đua thuyền vui xuân tại đình làng để tri ân các vị thần linh phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt, được mùa.

Có lẽ, nhiều người đã từng chiêm ngưỡng những cuộc đua thuyền truyền thống ở trên sông tại nhiều địa phương, nhưng ở Lý Sơn có một cuộc đua thuyền truyền thống rất đặc biệt chỉ có trong ngày Tết.
Đó là lễ hội đua thuyền Tứ Linh ở huyện đảo này. Dù thiên tai, mất mùa… dù đời sống của nhân dân khó khăn đến mấy, nhưng đến Tết nhất thiết phải có đua thuyền.

Người dân đảo Lý Sơn háo hức chờ đến ngày khai hội đua thuyền đầu xuân Tân Sửu. Bà con ở đây quan niệm, dịp đua thuyền đầu xuân mới làng nào về đích đầu tiên thì năm đó, người dân địa phương sẽ gặp nhiều may mắn, bình yên, làm ăn thuận lợi.
Vì thế, ngay từ đầu tháng Chạp, người dân các làng trên đảo quyên góp tiền của để đóng mới hoặc sửa lại thuyền đua. Tiếp đó, chọn những ngư dân khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển để luyện tập thử thuyền.

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn mang tính đặc thù và quy mô hơn tất cả hội đua thuyền nào tổ chức ở Quảng Ngãi, không chỉ về số lượng người xem, thời gian tổ chức đến 4 ngày, từ ngày mồng 4 âm lịch tới ngày mồng 8 âm lịch hằng năm.

Lý Sơn có 8 thuyền đua mang biểu tượng tứ linh, mỗi thuyền đua gắn liền với các thôn, xóm trên đảo.
Những ngày cận Tết trên đảo Lý Sơn thêm hối hả, đông vui hơn bởi không khí chuẩn bị cho Lễ hội đua thuyền.
Tuy tất bật những ngày cuối năm, nhưng người dân vẫn say sưa chăm chút cho thuyền đua của mình với hy vọng có được kết quả tốt trong ngày khai hội đua thuyền đầu xuân mới.

Mỗi đội đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo.
Tổng mũi là người chỉ huy, ngồi ở đầu thuyền; tổng thương ở giữa lo tát nước; tổng lái chiếm vị trí đuôi thuyền, là tay chèo lão luyện, vừa dùng mái chèo giữ thăng bằng cho con thuyền khi lướt nhanh về phía trước, vừa ra những động tác mạnh mẽ, khéo léo lái con thuyền đua ở những điểm quay đầu.

Ông Trương Văn Sửu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 8 Tết Nguyên đán hàng năm: “Các thôn, khu dân cư những ngày này không khí chuẩn bị thuyền đua sôi nổi. Vận động viên luyện tập và mọi khâu chuẩn bị cho lễ nghi tổ chức lễ hội đến tận bây giờ hết sức là chu đáo và bài bản. Hoạt động đua thuyền là hoạt động truyền thống mà người dân trên đảo hết sức là mong chờ”.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Lễ hội đua thuyền đầu xuân trên đảo Lý Sơn là sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết cả về phần lễ với phần hội, lôi cuốn đông đảo người dân địa phương du khách, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi trên đất đảo mỗi dịp Tết đến, xuân về”.
Tết ở Lý Sơn đặc biệt hơn cả là tính cố kết cộng đồng thông qua những phong tục, tập quán từ rất lâu đời. Và ngày Tết ở Lý Sơn cũng không sao quên được hương vị của những món ăn truyền thống.

Hàng năm, lễ hội đua ghe tứ linh không chỉ diễn ra dịp Tết cổ truyền, mà người dân Lý Sơn còn tổ chức vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch.
Trong tháng 4/2013, Bộ VHTT-DL đã công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và với những ý nghĩa độc đáo, thì ngày 30/9/2020 vừa qua, Bộ VHTTDL có Quyết định số 2729/QĐ- BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đua thuyền Tứ Linh (xã An Hải, An Vĩnh), một lễ hội truyền thống độc đáo của cư dân huyện đảo Lý Sơn.
Bảo Anh