(Đảo Lý Sơn) – Trong 11 điểm chuẩn đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (theo luật Biển Việt Nam 1982), đảo Lý Sơn là điểm A10. “Lý Sơn không chỉ là 1 trong 11 cột mốc trên biển mà còn là đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển”, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương nói.
Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ, cách đây khoảng 3.000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Họ sống quần cư dọc theo 2 dòng suối nước ngọt cổ (suối Ốc và suối Chình).

Cư dân Việt Lý Sơn khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh.

Trong buổi đầu ấy khai phá lập làng, người Việt đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: miếu Nàng Roi, chùa Hang, sự tích đánh giặc Tàu Ô của ông Nguyễn Văn Tuất…

Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Nơi đây, từ thời những chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã được thành lập và những binh phu Lý Sơn đã vượt sóng gió Biển Đông, ra xác lập chủ quyền của nước Việt ở 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Trên đảo Lý Sơn hiện nay, ngoài lực lượng phòng thủ đảo thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, còn có đồn Biên phòng Lý Sơn (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi), trạm radar 550 (thuộc trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân), trạm 2 cảnh sát biển (thuộc Vùng Cảnh sát biển 2) và các tàu của Vùng 3 Hải quân, Chi đội Kiểm ngư 3, Vùng Cảnh sát biển 2 liên tục trực bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn…

Tại Lý Sơn còn có 3 đèn biển (đèn biển Lý Sơn, đèn báo cảng Lý Sơn, đèn báo bãi cạn Lý Sơn) do Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Trung Bộ, Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Bộ GTVT) quản lý. Trong số này, đèn biển Lý Sơn (nằm ở phía đông đảo) cao nhất Việt Nam là 45m, được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1898.

Đặc biệt, bên cạnh cột mốc cơ sở điểm A10 (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô khởi công xây dựng đầu tháng 10.2016) nằm ở phía đông đảo Lý Sơn, trên đỉnh núi Thới Lới sừng sững cột cờ Tổ quốc cao 27,4m với các công trình phụ trợ như sân vườn, sân hành lễ, điện sáng…

Thời gian tới, lực lượng vũ trang trên đảo Lý Sơn sẽ thực hiện nghi lễ thượng cờ Tổ quốc trên cột cờ của đảo vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên trong tháng. Nghi lễ này sẽ công khai để nhân dân và du khách tham dự.
Một số hình ảnh về đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi):









Mai Trần Tường Linh
Link bài viết gốc: https://thanhnien.vn/ly-son-nhung-dieu-chua-biet-ky-2-hon-dao-tien-tieu-post1485359.html