Là một huyện đảo có ngư trường rộng lớn, Lý Sơn có thế mạnh trong việc phát triển ngành kinh tế khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển này đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao…
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thuỷ sản ở Lý Sơn ngày một suy giảm, trong đó phải nói đến phương tiện và điều kiện khai thác không theo đúng quy định. Đây là hiện tượng không chỉ riêng Lý Sơn mà cả với nhiều vùng biển khác trên cả nước. Đó là việc các phương tiện khai thác thuỷ sản chủ yếu tập trung vào loại tàu nhỏ, công suất thấp, không có khả năng vươn khơi xa, chủ yếu là khai thác ven bờ. Trong tổng số 415 phương tiện tàu thuyền khai thác hải sản của Lý Sơn, có khoảng trên 150 chiếc công suất trên 90CV. Thêm nữa, một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản là bởi hầu hết ngư dân hành nghề ven biển phần lớn là các hộ nghèo, trình độ dân trí chưa cao nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn hạn chế; các hình thức khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt vẫn diễn ra. Nhiều loại hải sản có giá trị cao đã và đang bị khai thác cạn kiệt.
Cùng với đó, việc sử dụng các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt trong hoạt động khai thác cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt đối với vùng ven các rạn san hô. Ngoài ra, còn phải kể đến các vụ vi phạm quy định về khai thác đối với các tàu cá không có đăng ký, đăng kiểm, không có giấy tờ khai thác hoặc các giấy phép khai thác đã hết hạn, để tăng sản lượng khai thác, ngư dân đã sử dụng nhiều biện pháp có tác động tiêu cực tới môi trường như sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ, tăng cường độ khai thác v.v..
Trước nguy cơ nguồn lợi thuỷ sản suy giảm ngày càng cao, Chính quyền huyện Lý Sơn đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thuỷ sản. Hàng năm, huyện phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền đến ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, sự cần thiết của việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sinh thái; tuyên truyền cho ngư dân hiểu việc không khai thác thuỷ sản trong mùa cấm khai thác theo Thông tư 02 của Bộ NN&PTNT. Cũng như tăng cường công tác bảo vệ các rạn san hô; quản lý chặt hoạt động khai thác rong biển trên địa bàn; tuyên truyền vận động ngư dân thả rùa biển về tự nhiên khi bắt được trong quá trình khai thác… Thông qua các lớp tập huấn để trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, an toàn khi đi biển v.v.. Cùng với đó, theo định kỳ hàng năm, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức thả tôm, cá giống ra môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho người dân địa phương.
Theo ông Lê Văn Đôi – Phó trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện cho biết, mặc dù công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã có nhiều cố gắng, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế, đội ngũ cán bộ và phương tiện còn thiếu nên công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn hạn chế, các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vẫn còn xảy ra. Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản mới chỉ tập trung vào tuyên truyền do địa bàn và ngư trường rộng rất khó cho việc tuần tra kiểm soát và phát hiện, xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới, các cấp các ngành của huyện Lý Sơn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tái phạm sử dụng các phương tiện cấm để khai thác thuỷ sản, góp phần phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi, không thân thiện với môi trường sang các nghề thích hợp khác có hiệu quả hơn mà lại thân thiện với môi trường./.