Thời tiết ngày càng biến đổi khắc nghiệt, nguồn nước sản xuất ở Lý Sơn cũng trở nên cạn kiệt dần. Để cứu cây trồng, nhiều nông dân ở hòn đảo này phải thuê người tưới nước với chi phí khá cao.
- Phạt 3,5 triệu đồng một trường hợp khoan giếng trái phép
- Ma trận giếng nước trên đảo Lý Sơn
- Huyện đảo Lý Sơn kiên quyết xử lý tình trạng khoan giếng trái phép
Dịch vụ tưới nước thuê cũng bắt đầu phát triển trong những năm gần đây và trở thành “nghề” đặc trưng chỉ có ở Lý Sơn.

Nghề chỉ có ở đảo Lý Sơn
Những ngày đầu tháng 7, nắng như đổ lửa. Những thửa hành, dưa hấu… mới lên non xanh ở Lý Sơn như muốn rụi đi vì nắng nóng. Để mang lại sự sống cho những cây trồng này, ngày nào người dân trên đảo cũng phải tưới nước.
Ông Đinh Ngọc Khanh, ở thôn Đông An Vĩnh chia sẻ: “Đợt này nắng nóng quá, cây hành chịu không nổi khiến một số diện tích xuống giống bị mất trắng. Vụ này, tôi chỉ xuống giống ít sào vì thời tiết khó làm, giá thì xuống thấp, nên đầu tư nhiều sẽ lỗ nhiều”.
Thời điểm này, nhiều giếng nước trên đảo đã cạn. Để có nước tưới cho cây hành, nhiều gia đình phải thuê người tưới nước; đây cũng là nghề đặc trưng chỉ có ở Lý Sơn. Giá tưới nước thuê trung bình từ 120 -150.000 đồng/giờ.
Đối với những diện tích cách xa nguồn nước, chi phí tăng lên 200.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, để đủ nước phục vụ cho nhiều diện tích cây trồng, người làm dịch vụ tưới nước thuê phải bỏ ra từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng để đào nhiều giếng nước (khi UBND huyện Lý Sơn chưa có lệnh cấm đào, khoan giếng), làm hệ thống bể chứa và tốn nhất là đầu tư hệ thống đường ống kéo đến tận các ruộng hành, tỏi.

Theo người dân Lý Sơn, dịch vụ tưới nước thuê ở hòn đảo này đã có từ lâu. Trước đây, ai có nhu cầu tưới thì người làm dịch vụ sẽ kéo đường ống tới nơi để dẫn nước từ bể chứa đến ruộng hành, tỏi.
Việc thả đường ống và thu gom mỗi khi tưới xong rất vất vả và tốn nhiều công vì khoảng cách từ điểm lấy nước đến ruộng hành, tỏi cách xa tới vài cây số.
Song, thời gian gần đây, tất cả những người làm dịch vụ này đã đầu tư đường ống lớn chôn cố định dưới đất. Mỗi đường ống được đấu nối thành hai van để có thể cùng một lúc tưới được cho hai nơi trong cùng thời điểm, mang lại thu nhập gấp đôi.
Thuận lợi nữa là, phần lớn diện tích trồng hành đã được người dân bắt hệ thống tưới phun tự động nên chỉ cần mở van là nước tự động tưới, tiết kiệm được thời gian, nước tưới.
Chị Trần Thị Thanh, thôn Đông An Vĩnh chia sẻ: Vụ hành năm nay nhiều diện tích không xuống giống được nên ít người thuê tưới nước, còn những vụ trước hầu như chẳng có ngày nào thảnh thơi. Khi tưới cho người này xong là tới người tiếp theo.
Bên này mở ra thì bên kia đóng lại nhờ hệ thống tự động. Bây giờ gắn hệ thống mô tơ, ruộng nào ở xa thì gắn 1 mô tơ 5 – 7 mã lực, xa nữa thì gắn 2 cái mô tơ.
Không mong muốn phát triển dịch vụ
Để thuận lợi trong việc tưới nước thuê, những người làm dịch vụ đã thống nhất chia vùng quản lý. Theo đó, diện tích nào thuộc phần quản lý của người nào thì người đó sẽ đảm nhận việc tưới nước mỗi khi người thuê có nhu cầu.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn Nguyễn Văn Sinh cho biết: Những người làm dịch vụ tưới nước thuê cũng chính là những nông dân trồng hành, tỏi với diện tích lớn nên họ đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị vừa phục vụ cho chính sản xuất của gia đình, vừa tưới thuê cho người khác.
Cũng nhờ dịch vụ tưới nước thuê mà nhiều diện tích trồng hành, tỏi của nông dân không chủ động được nguồn nước vẫn đảm bảo nước tưới, giúp cây trồng phát triển, đem lại thu nhập cho người nông dân đất đảo. Có điều, do chi phí đầu tư lớn nên tiền công cho mỗi giờ tưới cũng cao.
Mặc dù dịch vụ tưới nước thuê đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người, nhưng người làm dịch vụ này thì lại không mong muốn lượng khách hàng này tăng lên.
Bởi họ hiểu rằng, một khi số người thuê tưới nước tăng lên cũng đồng nghĩa với việc thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nguồn nước cạn kiệt theo.
Hơn nữa, chính bản thân họ cũng là những người làm nông nghiệp nên thấu hiểu được vất vả, khó khăn của người trồng hành, tỏi.
Một khi giá vật tư tăng, cộng thêm chi phí thuê tưới nước, dẫn đến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn tăng lên, trong khi đó, giá hành, tỏi những năm gần đây lại liên tục giảm. Do đó, bài toán giữ thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn cũng trở nên khó khăn hơn…
Hồng Hoa