Những ngày đầu tháng 7, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) như “chảo lửa”, hàng loạt giếng nước trên đảo đều cạn và nhiễm mặn, người dân đã đổ xô đến giếng Xó La (giếng Vua) để lấy nước ngọt về “giải khát”.
![]() |
Giếng Xó La liên tục trơ đày vì nhu cầu lấy nước của người dân tăng mạnh. |
Từ sáng sớm rất đông người dân ở các khu dân cư trên đảo đi xe máy, xe đạp lỉnh kỉnh can, gàu đến giếng Xó La để chen chân lấy nước. Thời điểm này chỉ còn duy nhất giếng Xó La là không nhiễm mặn. Để tránh cái nắng gắt, bà Trương Thị Hoa, ở thôn Đông xã An Vĩnh đã có mặt từ sáng sớm ở giếng, nhưng việc lấy nước cũng không mấy thuận lợi.
Bà Hoa cho hay: “Chưa có năm nào nắng hạn khốc liệt như năm nay, việc lấy nước ở giếng Xó La không dễ dàng như mọi năm, có mặt từ 6 giờ sáng nhưng phải mất hơn 1 giờ mới lấy được 2 can nước ngọt khoảng 40 lít về sử dụng”. Theo bà Hoa, hàng trăm giếng nước khác vốn là nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho cư dân trên đảo nhưng cũng cạn kiệt và nhiễm mặn vào những ngày nắng hạn. Đây là nguyên do khiến giếng trở nên quá tải và liên tục trơ đáy. Những người dân đến sớm thì may mắn lấy được nước về dùng, còn không phải chờ chực nhiều giờ.
Giếng Xó La nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh chỉ nằm cách biển chừng khoảng 5 mét, nhưng quanh năm nước giếng luôn ngọt, mùa nắng hạn giếng đã góp phần cung cấp nước ngọt cho hơn 2 vạn dân trên đảo. Năm nay thời tiết nắng hạn gay gắt, vì thế nhu cầu nước ngọt của người dân đảo tăng cao. Những ngày đỉnh hạn, có hàng ngàn lượt người dân chen chúc đến lấy nước. Phải rất lâu anh Huỳnh Trinh ở thôn Tây xã An Vĩnh mới chen chân vào được thành giếng để lấy nước, anh nói: “Trước đây giếng nhà tôi ngọt lắm, không cần phải đến giếng Xó La lấy nước dùng, đột nhiên năm nay nước giếng mặn không khác gì nước biển, nếu không có giếng Xó La này thì biết lấy nước ngọt ở đâu mà dùng nữa, mọi người lấy nước đông quá, mình đến sau thì phải đợi thôi”.
Không chỉ việc lấy nước ngọt của người dân mấy ngày qua gặp khó khăn, những người làm nghề phu nước trên đảo cũng tốn không ít công sức chực chờ dưới cái nắng đổ “lửa” để lấy từng can nước đi bán cho các gia đình trên đảo. Những năm trước, trung bình mỗi ngày đỉnh hạn ông Mai Văn Thu ở thôn Đông có thể lấy được hơn 10 xe nước để đi bán (thu nhập khoảng 400-500 ngàn đồng/ngày), năm nay gắng lắm mỗi ngày ông chỉ có thể lấy được từ 4-5 xe. Vất vả là thế, ông Thu phải có mặt ở giếng từ tờ mờ sáng, tranh thủ lúc vắng người để lấy nước, và việc lấy nước của ông Thu diễn ra từ tờ mờ sáng đến chạng vạng tối. “Nếu mình không đến giếng từ sớm thì mọi người đến lấy nước đông lắm và giếng sẽ cạn, mình phải mất thời gian chờ chực để mực nước của giếng dâng cao rồi mới lấy được nước”, ông Thu nói.
Việc lấy nước của người dân không chỉ kéo dài đến chiều tối, có hôm việc lấy nước của người dân kéo dài đến tận 20 giờ đêm. Anh Phạm Văn Vương ở thôn Đông xã An Vĩnh cho hay, anh và nhiều người dân trồng hành tỏi trên đảo thường đi lấy nước muộn, bởi giờ này giếng nước của huyện đảo mới vắng người, và những lúc này anh và nhiều người khách mới có thời gian rảnh để đi lấy nước ngọt về sử dụng.
Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, toàn huyện có khoảng 1.300 giếng nước, nhưng đến giữa tháng 6 hầu hết đều cạn và nhiễm mặn nặng, giếng Xó La đã trở thành điểm lấy nước ngọt duy nhất trên đảo trong mùa nắng hạn, từ sáng sớm đến tối giếng liên tục quá tải và trơ đáy, vì nhu cầu lấy nước ngọt của người dân tăng cao so với mọi năm.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết “Mạch nước ngầm của giếng Xó La đang có dấu hiệu cạn kiệt bởi người dân liên tục lấy nước. Trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, phương án xây hồ tích nước mưa để sử dụng vào mùa khô đã được huyện tính đến. Huyện đã làm văn bản báo cáo về tình hình nắng nóng và thiếu nước ở Lý Sơn”.
Nắng hạn ngày càng khốc liệt, hơn 2 vạn dân đảo Lý Sơn chỉ trông chờ vào giếng Xó La, tuy nhiên nguồn nước ngầm của giếng này cũng đang có dấu hiện cạn kiện do mức độ khai thác tối đa của người dân. Về lâu dài, cơ quan chức năng của huyện Lý Sơn cần có một giải pháp kịp thời để “giải khát” cho người dân đảo mỗi mùa nắng hạn, khi thời tiết diễn biến ngày càng khắc nghiệt.