Cái gương cây quế Trà My

0
62

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Cty CAN Holdings (Nhật Bản) về việc phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo giới thiệu đây là giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao… xuất khẩu được sang Nhật Bản.

Theo đó còn có một Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác thải (vốn đang là nguồn ô nhiễm cho đảo) được xây dựng để bón cho cây trồng. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tuy hoan nghênh, nhưng cũng khá dè dặt và mong muốn, ngoài đảo Lý Sơn, Cty CAN Holdings nên đi khảo sát tại một số huyện ven biển khác để đầu tư trồng tỏi.

Buổi làm việc của Tỉnh ủy Quảng Ngãi với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản).
Buổi làm việc của Tỉnh ủy Quảng Ngãi với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản).

Sự dè dặt này là cần thiết vì hiện cây tỏi Lý Sơn là giống tỏi có thương hiệu đặc biệt, độc nhất vô nhị về chất lượng cũng như công dụng đặc hữu của nó. Song song đó, bài học về nhiều loài lâm đặc sản bản địa quý báu đã bị suy giảm mạnh khi dân cư đưa các giống cây ngoại lai (cùng loài) vào trồng và sau đó bị lấn át.

Cây quế Trà My

Cây quế Trà My (Quảng Nam) là một ví dụ. Đã có một thời “cao sơn ngọc quế” Trà My là mặt hàng thổ sản, giữ vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Đồng bào dân tộc trồng cây quế theo tập quán truyền đời, “cha trồng, con hưởng”. Vì vậy cây quế đã tồn tại và nuôi sống con người vùng đất này từ ngàn năm qua.

Tin HOT:   Người dân Lý Sơn khẩn trương giằng nhà, neo thuyền chống bão

Tuy vậy, suốt thời gian dài cây quế Trà My lâm cảnh “ba chìm bảy nổi”, có lúc người dân chặt bỏ để thay thế bằng loại cây trồng khác. Nguyên nhân, vài mươi năm trở lại đây, một giống quế lai từ phía Bắc đưa vào, có năng suất cao hơn, thời gian thu hoạch chỉ bằng 1/4 giống quế bản địa, nên người dân ưa chuộng trồng tràn lan. Giống quế này có chất lượng tinh dầu thấp nên làm mất uy tín “cao sơn ngọc quế” một thời lừng lẫy. Và từ đó nó không còn đóng vai trò trong các loại hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu lo lắng: “Do lợi ích về mặt kinh tế nên thời gian qua có tình trạng người dân lựa chọn những giống quế có thời gian thu hoạch nhanh để chế biến thực phẩm và hương liệu; vỏ giống quế bản địa làm dược liệu đang ít được chuộng, do chu kỳ sinh trưởng dài, lâu thu hồi vốn. Do vậy nếu không có giải pháp bảo tồn cấp thiết, thì quế Trà My sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”. Qua cây quế Trà My, Quảng Ngãi cần hết sức cẩn trọng, nhằm tránh một quyết định vội vàng, để lại hậu quả lâu dài đối với thổ sản bản địa độc đáo như cây tỏi Lý Sơn.

NGUYỄN TRUNG HIẾU

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here