Cả nước chỉ có độc nhất một hòn đảo Lý Sơn nhỏ tầm 10km2 với đặc sản tỏi độc nhất vô nhị, vậy mà nay cũng phải “giải cứu” thì thật đáng quan ngại cho công tác quản lý sản xuất và bảo vệ thương hiệu ở Lý Sơn.
Dịp hè vừa rồi, tôi cùng người anh tên Trình ở Đà Nẵng ra Lý Sơn tham dự Tuần lễ văn hóa-du lịch Lý Sơn lần thứ nhất. Ở mảnh đất năng động về du lịch như Đà Nẵng cũng như sát cạnh đô thị cổ Hội An, anh rất trầm trồ vẻ đẹp có một không hai mà thiên nhiên ban tặng cho Cù Lao Ré.
Ngoài những bức ảnh đẹp, những món ăn ngon của biển cả, anh còn dặn tôi khi về phải mua được ít kg tỏi chính gốc của Lý Sơn để tặng người thân, bạn bè vì nó rất thơm ngon có tiếng. Trời trưa, trên đường từ trung tâm huyện ra bến cảng, chúng tôi thấy rất nhiều chiếc xe máy nườm nượp chở nào hành, tỏi từ trên tàu trong bờ ra chạy ngược vào đảo. Anh Trình thôi không nói chuyện mua tỏi nữa!
Cuối tháng 10 đây, nghe tin Huyện đoàn Lý Sơn kêu gọi giải cứu tỏi giúp nông dân Lý Sơn. Tôi không khỏi giật mình. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết hòn đảo có 3.884 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là tỏi, tổng diện tích canh tác vào khoảng 326ha, sản lượng bình quân hằng năm khoảng 2.400 tấn tỏi. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới tiêu thụ khoảng 2.200 tấn, còn tồn khoảng 200 tấn. Giá tỏi đầu vụ 2018 khoảng 90.000 – 110.000 đồng/kg nay giảm xuống còn 40.000 – 55.000 đồng/kg.
Với sản lượng 2.400 tấn tỏi/năm, lấy đâu ra tỏi Lý Sơn để bán khắp cả nước vậy? Chỉ 2.400 tấn tỏi đúng nguồn gốc ở Lý Sơn mà nay phải đi giải cứu, trong lúc lượng người muốn mua tỏi thật ở Lý Sơn không phải ít. Nhiều người bạn của tôi khi nhờ mua tỏi chuẩn Lý Sơn vẫn phải giải bày rằng bây giờ rất nghi ngờ tỏi Lý Sơn giả, ngay cả bán trên đảo, nên phải tìm mua ở người quen may ra mới tin được. Việc chính quyền Lý Sơn từng bắt nhiều vụ vận chuyển tỏi trong bờ ra đã minh chứng điều đó.
Cả nước chỉ có độc nhất một hòn đảo Lý Sơn nhỏ tầm 10km2 với đặc sản tỏi độc nhất vô nhị, vậy mà nay cũng phải “giải cứu” thì thật đáng quan ngại cho trình độ quản lý sản xuất và bảo vệ thương hiệu hiện nay.
Việc giải cứu là chẳng đặng đừng mà Huyện đoàn Lý Sơn phải thực hiện để giúp nông dân. Nhưng năm nay giải cứu, rồi năm sau giải cứu thì đó còn là thương hiệu nữa không. Một thương hiệu như tỏi Lý Sơn (đã Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ công nhận thương hiệu quốc gia vào năm 2009) mà nay cũng phải đi giải cứu như các mặt hàng dưa hấu, nhãn…trong thời gian qua hay sao?
Hòn đảo đã nhỏ, thì những múi tỏi trên đó là là tinh túy không phải bàn cãi. Thương hiệu tỏi Lý Sơn phải lan ra các nước khác chứ không phải chỉ trong nước. Một củ tỏi Nhật có giá 100 ngàn đồng, cho dù sức mua có lúc không đạt họ vẫn không tính chuyện giải cứu, chỉ vì họ khẳng định đó là thương hiệu.
Các ngành chức năng, sau các vụ ‘giải cứu’ nông sản khi được hỏi đều cho rằng họ đã làm hết chức năng, đã có quy hoạch sản xuất theo từng năm hoàn chỉnh. Điệp khúc được mùa-giải cứu là do người dân tự ý sản xuất, không làm theo quy hoạch, là do thị trường xuất khẩu không ăn…Nhưng khi các tổ chức giúp người dân bán nông sản thì vẫn tiêu thụ cơ bản, chứng tỏ sức mua trong nước là có, chứng tỏ khâu phân phối trong nước yếu.
Vì vậy, thiết nghĩ rằng đã đến lúc cần phải giải cứu tư duy giải cứu. Một nền nông nghiệp mạnh không thể dùng đến tình thương để xử lý chuyện được mùa, mất giá.
Lấy chuyện tỏi Lý Sơn làm tiền đề, huyện Lý Sơn cần có sự quyết liệt để nâng tầm thương hiệu tỏi độc nhất này.
TS. Nguyễn Chu Hồi từng chia sẻ trong một hội thảo về phát triển Lý Sơn: “Tôi nghĩ Lý Sơn phải là một đảo xanh, phát triển kinh tế biển xanh gắn với hoạt động bảo tồn thiên nhiên đối với biển. Ra biển không phải để làm nông nghiệp. Chúng ta phải xác định kinh tế đảo, kinh tế biển, kinh tế đất liền là gì để có hướng đi đúng. Đừng bao giờ lấy nguồn lực từ bên ngoài bơm vào Lý Sơn, đến khi hết bình ô xy đó thì Lý Sơn phải tìm bình ô xy khác”.
Lý Sơn lâu nay không kìm hãm để diện tích tỏi phát triển quá nhiều, phá hết cả rừng cây, phạm các rạn san hô để trồng tỏi, nguồn nước ngầm cũng bị hút đến nhiễm mặn để tưới tỏi… Do đó, ngay từ bây giờ Lý Sơn cần lấy du lịch, khai thác biển làm thế mạnh phát triển kinh tế bên cạnh cây tỏi đã có thương hiệu.
Ngoài việc chấn chỉnh lại diện tích trồng tỏi, chính quyền cần đẩy mạnh chiều sâu về quản lý và phát triển thương hiệu tỏi, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng thay vì thả nổi việc sản xuất.
Những việc này có thể bắt đầu như in nhãn hiệu, logo, tem chống giả thống nhất cho sản phẩm tỏi trên toàn đảo. Giá các loại tỏi đều phải thống nhất một giá bán do Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn thống nhất hàng năm, du khách có đi đảo Bé hay về đảo Lớn thì vẫn một giá như nhau.
Thành lập cơ sở thu mua, bao tiêu sản phẩm; thu mua hành, tỏi tập trung; tổ chức các điểm bán hành, tỏi Lý Sơn có sự quản lý của UBND huyện…hướng đến thị trường khách du lịch ra đảo ngày càng nhiều.
Đồng thời, ngăn chặn tuyệt đối và xử phạt nghiêm khắc việc tuồn hành, tỏi từ trong bờ đưa ra đảo. Không có lý gì một ‘vương quốc tỏi’ lại nhập tỏi ngược về mình.
Phòng kinh tế hạ tầng và ngành bảo vệ thực vật ở Lý Sơn cần phối hợp với 3 xã của huyện đảo để triển khai cho bà con nông về phân bón và nguồn gốc thuốc bảo vệ. Tăng cường mô hình trồng tỏi sạch, dùng phân bón tự có của nhà máy rác tại Lý Sơn và thuốc vi sinh; bùn hữu cơ rất tốt và chất lượng, nó có từ cây tỏi, cây hành, đặc biệt là có vi chất từ rong biển và cá; đây là nguồn phân bón đồi dào tại đảo…
Mong rằng, chính quyền sở tại sẽ quyết liệt để trả lại thương hiệu cho tỏi Lý Sơn, đang bị tổn thương khi phải ‘giải cứu’. Lý Sơn độc nhất vô nhị và những múi tỏi ở trên đó là tinh túy, điều này không phải bàn cãi!
Lê Đình Dũng