Trong khi chính quyền địa phương huyện đảo Lý Sơn chấn chỉnh các hoạt động vận tải, đưa vào quy củ, hạn chế đầu tư mới phương tiện tránh gây quá tải cho đảo Lý Sơn thì ngành giao thông Quảng Ngãi tiếp tục phát triển lĩnh vực này, đưa nhiều phương tiện vận tải ra đảo. Điều này gây lo ngại cho chính quyền địa phương và người dân đất đảo.
Một kilomet, 82 xe điện
Mỗi năm, Lý Sơn đón khoảng 200 nghìn khách du lịch ra đảo. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, du khách, huyện đảo Lý Sơn đã đầu tư hạ tầng, giao thông, dịch vụ du lịch trong nhiều năm qua. Hiện, toàn đảo có 108 phương tiện vận tải hoạt động tại hai xã đảo An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và 22 xe điện từ 7 – 11 chỗ hoạt động tại xã đảo An Bình (đảo Bé).
Theo UBND huyện Lý Sơn, với diện tích 10km2, số lượng phương tiện này đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của du khách, phù hợp điều kiện hạ tầng giao thông hạn hẹp trên đảo Lý Sơn. Đồng thời, hoạt động dịch vụ này giúp người dân Lý Sơn có thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.
Vay mượn, tích góp tiền năm 2016, anh Nguyễn Thịnh mua hai xe điện loại 7 và 11 chỗ ngồi, với giá 240 triệu đồng để đưa đón du khách tham quan đảo Bé. Mỗi tháng, thu nhập được 8 – 9 triệu đồng, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn. “Du khách có nhu cầu thì mình cùng bà con đầu tư phục vụ thôi. Ngày trước làm nông, đánh cá cũng chật vật. Giờ thêm dịch vụ đưa đón khách du lịch, mình mừng lắm chứ!”, anh Thịnh bày tỏ.
Tại đảo Bé, số lượng du khách có hạn theo hình thức du lịch cộng đồng. Hiện toàn xã có 22 xe điện từ 4 – 10 chỗ hoạt động đưa đón khách tham quan. Nhiều người dân muốn đầu tư phương tiện làm du lịch nhưng chính quyền không cho phép phát triển ồ ạt, tránh quá ngưỡng chịu tải hệ thống giao thông cơ sở nhỏ hẹp này.
Không chỉ hạn chế tăng số phương tiện vận tải đảo Bé, Lý Sơn cũng thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh, đưa vào quy củ và không cho phát triển thêm trên vùng đảo.
Tuy nhiên, ngành GTVT Quảng Ngãi tiếp tục phát triển loại hình này trên đảo Lý Sơn.

Theo đề án của Sở GTVT Quảng Ngãi, từ năm 2017 – 2020, huyện đảo Lý Sơn sẽ có 160 xe bốn bánh động cơ xăng, diezen và xe điện. Năm 2021 – 2025 sẽ tiếp tục đưa 90 xe động cơ xăng, xe điện vào khai thác. Trong đó, đảo Lớn có 170 đầu xe và đảo Bé 80 đầu xe đưa vào sử dụng. Sở GTVT Quảng Ngãi đã chấp thuận cho hai doanh nghiệp thí điểm đưa phương tiện ra đảo là Công ty TNHH Ô-tô điện Đồi Vàng đầu tư 170 xe, Công ty Mai Linh Quảng Ngãi đầu tư 80 xe.
Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Đỗ Tiến Đạt cho biết, từ nay đến năm 2020, sẽ đưa 160 đầu xe ra đảo Lý Sơn. Trong đó, đảo Lớn 100 xe, đảo Bé 60 xe của doanh nghiệp. Cùng với số xe hiện hữu đang khai thác, đưa đón khách du lịch, nâng tổng số xe tại đảo Lớn là 210 phương tiện vận tải các loại. Như vậy, chưa đầy 10km2 mà có tới 210 đầu xe đưa đón khách. Riêng tại đảo Bé, diện tích 1km2, sẽ có 82 xe các loại.
Lãnh đạo xã An Bình lo ngại, tổng cung đường đảo Bé chưa tới 3km nhưng có 82 xe điện đưa đón khách sẽ tạo áp lực lớn cho đảo. “Xã An Bình có 22 xe điện là quá nhiều, địa phương không cho mua thêm. Xã và huyện đều không đồng ý cho doanh nghiệp đưa thêm phương tiện vận tải lên đảo Bé. Chúng tôi đã ý kiến rất nhiều, 22 chiếc đã quá nhiều, thêm 60 chiếc để làm gì đây?”, ông Huỳnh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã An Bình, Lý Sơn bức xúc.
Phải giải quyết hài hòa lợi ích cho người dân
Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi cho rằng, hoạt động xe điện, xe bốn bánh của người dân đảo Lý Sơn là tự phát, không bảo đảm an toàn, chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa thành lập HTX theo quy định. Vì vậy, Sở lập đề án, chấp thuận doanh nghiệp đầu tư, đưa xe ra đảo.
Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, những năm qua, phương tiện vận tải tại địa phương hiện hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Hằng năm, UBND huyện tổ chức rà soát, hỗ trợ chủ phương tiện thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện kinh doanh an toàn. Việc hoạt động tự phát của các hộ kinh doanh xe điện, động cơ xăng bước đầu đã chấn chỉnh. Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương đã hướng dẫn cho người dân đăng ký vào HTX, tuyên truyền, hỗ trợ cho bà con bổ sung các thủ tục, điều kiện theo quy định.
Lãnh đạo huyện Lý Sơn lo ngại, trong khi huyện đang hỗ trợ người dân, thực hiện các thủ tục thì ngành giao thông cho doanh nghiệp đưa xe ra đảo. Điều này sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, dân cư các xã đảo. Nguy cơ xung đột lợi ích với người dân bản địa là khó tránh khỏi.
“Người dân họ đang hoạt động, đầu tư tốt thì phải giúp họ. Nếu thiếu thủ tục, hồ sơ thì ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con. Chưa có bằng cấp thì tổ chức các lớp học. Phương tiện nào không bảo đảm an toàn thì kiểm tra, cho ngưng hoạt động. Những vấn đề này không khó. Phải giúp người dân xứ đảo chứ không thể nói họ không đáp ứng rồi cho doanh nghiệp vào. Không thể đẩy người dân ra ngoài được!”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đề nghị.
“Xe chúng tôi mới mua sao lại bảo không đủ chuẩn. Nếu cái nào thiếu, chưa đúng thủ tục thì cơ quan chức năng giúp chúng tôi hoàn chỉnh. Tổ chức lớp học lái xe điện để chúng tôi lấy bằng. Nếu chủ nào vi phạm thì xử phạt, chúng tôi chấp hành”, một chủ phương tiện vận tải cho biết.
UBND huyện Lý Sơn khẳng định, thí điểm loại hình vận tải mới là cần thiết, địa phương khuyến khích. Tuy nhiên, việc thí điểm chỉ thực hiện với số lượng nhỏ để đánh giá, xem xét. Đồng thời, địa phương và người dân tham gia, lựa chọn loại hình phù hợp với điều kiện thực tế.
“Chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng, bà con tham gia hoạt động dịch vụ xe điện, đưa đón khách rất tốt, giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương. Cái nào cần thì cứ điều chỉnh nhưng phải bảo đảm hài hòa cho dân”, ông Huỳnh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã An Bình kiến nghị.
Trong khi vẫn còn nhiều ý kiến của địa phương sở tại lo ngại quá tải phương tiện, thì ngành giao thông tỉnh Quảng Ngãi vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đưa phương tiện ra đảo Lý Sơn.
“Chúng tôi đưa doanh nghiệp ra để giúp dân quản lý hoạt động vận tải. Nếu người dân không có xe thì doanh nghiệp cung cấp, hoặc người dân làm cho doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Đỗ Tiến Đạt khẳng định.
Đông Huyền